09:45 12/04/2025

Giá vàng “không cản nổi”, tăng thêm 6% trong tuần này

Điệp Vũ

Đồng USD giảm giá mạnh càng kích thích đà tăng của giá vàng, trong khi “cá mập” SPDR Gold Trust tiếp tục mua ròng vàng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/4), lập kỷ lục mới trên ngưỡng 3.200 USD/oz, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đẩy cao nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư. Đồng USD giảm giá mạnh càng kích thích đà tăng của giá vàng, trong khi “cá mập” SPDR Gold Trust tiếp tục mua ròng vàng.

Đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 60,8 USD/oz so với mức đóng cửa của phiên trước, tương đương tăng 1,91%, đạt 3.238 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương hơn 101 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Trong phiên ngày thứ Sáu, có lúc giá vàng giao ngay lập kỷ lục mọi thời đại ở mức 3.246,8 USD/oz. Giá vàng giao sau trên sàn COMEX tăng 2,1%, chốt tuần ở mức 3.244,6 USD/oz.

Cả tuần, giá vàng giao ngay tăng hơn 6% và giá quy đổi tăng 6 triệu đồng/lượng.

Giá USD tại ngân hàng Vietcombank chốt tuần ở mức 25.530 đồng (mua vào) và 25.920 đồng (bán ra), tăng 40 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng thứ Sáu nhưng giảm 40 đồng ở mỗi đầu giá so với mức chốt của tuần trước.

“Rõ ràng, vàng đang là một tài sản an toàn được ưa chuộng trong một thế giới bị đạo lộn bởi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump. Đồng USD đang mất giá và trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán mạnh”, chiến lược gia Nitesh Shah của công ty WisdomTree nhận định về những động lực tăng giá quan trọng của vàng ở thời điểm này.

Dù hạ thuế đối ứng về mức cơ sở 10% cho tất cả các đối tác thương mại bị áp thuế này, Mỹ tăng thuế lên tổng cộng 145% đối với Trung Quốc - theo xác nhận của một quan chức Nhà Trắng với hãng tin CNBC hôm thứ Năm. Ngày thứ Sáu, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 125% lên hàng Trung Quốc để trả đũa, thay cho mức thuế 84% công bố trước đó.

Đồng USD sụt giá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số Dollar Index giảm gần 1,1%, đóng cửa ở mức 99,78 điểm - thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Tuần này, chỉ số giảm hơn 3,1%, nâng tổng mức giảm trong 3 tháng lên 9%.

Diễn biến giá vàng thế giới tuần này. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới tuần này. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Nhìn trong dài hạn hơn, giá vàng được hỗ trợ bởi xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, và việc các quỹ ETF quay trở lại mua vàng mạnh trong năm nay.

Phiên ngày thứ Sáu, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng khoảng 3,5 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên mức gần 953,2 tấn vàng. Tuần này, quỹ mua ròng hơn 20 tấn vàng.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 3 bất ngờ giảm 0,4% so với tháng trước. Hôm thứ Năm, một báo cáo khác từ cơ quan này cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lạm phát ở Mỹ có thể cao hơn trong những tháng tới do tác động của thuế qua. Dù vậy, thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất khoảng 4 lần trong năm nay, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm, với đợt giảm đầu tiên diễn ra vào tháng 6.

“Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu giá vàng có một cuộc điều chỉnh nhỏ, nhưng xu hướng chính vẫn là tăng. Dữ liệu CPI và PPI cho phép Fed có thêm dư địa để giảm lãi suất, và điều này sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên đồng USD”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong nhận định với hãng tin Reuters.

Vàng là một tài sản an toàn truyền thống, nên thường tăng giá trong môi trường toàn cầu có nhiều biến động và rủi ro như hiện nay. Ngoài ra, vàng được định giá bằng USD và không có lãi suất, nên cũng thường tăng giá khi USD giảm giá và lãi suất giảm.

Nhưng các nhà phân tích của ngân hàng UBS cũng nhấn mạnh rằng có một số diễn biến nhất định có thể hạn chế sự tăng giá của vàng, như “căng thẳng địa chính trị giảm bớt, quan hệ thương mại giữa Mỹ với các đối tác lớn cải thiện, hoặc tình hình kinh tế vĩ mô và tài khóa của Mỹ tốt lên”.