Giá vàng nhảy vọt qua mốc 3.200 USD/oz sau báo cáo lạm phát Mỹ
Chỉ trong vòng 2 phiên giao dịch, "cá mập" SPDR Gold Trust gom gần 25 tấn vàng...

Giá vàng thế giới tăng “không gì cản được” trong phiên đêm qua và sáng nay (11/4), lập kỷ lục mọi thời đại trên ngưỡng 3.200 USD/oz. Ngoài lực hỗ trợ sẵn có từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro, chất xúc tác quan trọng cho sự bứt phá này là số liệu lạm phát yếu hơn kỳ vọng của Mỹ - điểm dữ liệu củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm lãi suất mạnh tay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 28,4 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương tăng 0,89%, giao dịch ở mức 3.206,6 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương xấp xỉ 100 triệu đồng/lượng.
Website Vietcombank cùng thời điểm trên báo giá USD ở mức 25.490 đồng (mua vào) và 25.880 đồng (bán ra), giảm 120 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Trước đó, có thời điểm giá vàng đạt tới mức 3.221,4 USD/oz, cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Trong phiên giao dịch tại New York vào đêm qua, giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 3.178,2 USD/oz, tăng 94,2 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng gần 3,1%.
Đây là mức giá đóng cửa cao kỷ lục của vàng giao ngay. Chỉ trong vòng 2 phiên, giá vàng giao ngay đã tăng gần 200 USD/oz.
Giá vàng giao sau trên sàn COMEX tăng 3,3%, chốt ở mức 3.179,4 USD/oz.
Nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư toàn cầu tiếp tục ở mức cao do cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump diễn biến khó lường. Ngày 9/4, thuế suất cao hơn của thuế đối ứng, lên tới 50%, chính thức có hiệu lực. Nhưng cũng ngay trong ngày hôm đó, ông Trump tuyên bố hạ các mức thuế này về mức cơ sở 10%, áp dụng trong 90 ngày để có thời gian cho đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, ngày 9/4, ông Trump tuyên bố tăng thuế suất đối với hàng Trung Quốc lên 125%. Ngày 10/4, Nhà Trắng xác nhận với hãng tin CNBC rằng hàng hóa Trung Quốc đang bị áp thuế 145% vì cộng thêm cả 20% mà ông Trump đã áp vào đầu nhiệm kỳ thứ hai này.
Trong bối cảnh bất định gia tăng, vàng đang phát huy mạnh trở lại vai trò kênh đầu tư an toàn. Trước khi diễn ra sự bùng nổ này, thị trường vàng đã có một chuỗi phiên bán tháo khi nhà đầu tư huy động tiền mặt để bù lỗ cho danh mục chứng khoán.
“Vàng đã lấy lại sức hấp dẫn của một tài sản an toàn, trở lại con đường thiết lập những đỉnh cao mọi thời đại”, nhà phân tích cấp cao Nikos Tzabouras của trang Tradu.com nhận định. “Tuy nhiên, khả năng Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác có thể đặt ra rủi ro lớn đối với dư địa tăng giá của vàng, có thể sẽ gây áp lực giảm mới lên giá vàng. Ngoài ra, nếu các kỳ vọng liên quan đến việc Fed hạ lãi suất giảm bớt, đồng USD cũng có thể mạnh lên và gây bất lợi cho giá vàng”.

Báo cáo ngày 10/4 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bất ngờ giảm trong tháng 3. Theo báo cáo, CPI của Mỹ giảm 0,1% trong tháng trước so với tháng 2, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020, sau khi tăng 0,2% trong tháng 2. Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo CPI tăng 0,1%.
Việc lạm phát dịu đi củng cố đặt cược của thị trường rằng Fed sẽ có ít nhất 4 lần giảm lãi suất trong năm nay, với mức giảm mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm.
Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên triển vọng lãi suất giảm nhanh có lợi cho giá vàng. Triển vọng lãi suất như vậy cũng khiến đồng USD giảm mạnh trong phiên ngày thứ Năm, hỗ trợ thêm cho giá vàng, vì vàng được định giá bằng USD.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm hơn 1%, đóng cửa ở mức 100,87 điểm - theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Chỉ số này tiếp tục giảm sáng nay, có thời điểm còn 100,2 điểm, giảm gần 0,7% so với đóng cửa phiên đêm qua.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng thị trường có thể đang kỳ vọng quá mức vào việc Fed giảm lãi suất, vì áp lực lạm phát ở Mỹ sẽ có xu hướng tăng do tác động của thuế quan. Nếu Fed ưu tiên chống lạm phát, việc giảm lãi suất sẽ diễn ra chậm hơn những gì mà thị trường đang đặt cược.
Dù vậy, nhu cầu phòng ngừa rủi ro vẫn đang là nguồn lực hỗ trợ chính của giá vàng trong thị trường giá lên hiếm thấy này.
“Chúng ta đang thấy các ngân hàng trung ương mua vàng, nên chừng nào các quỹ ETF còn mua vàng và còn những rủi ro chính sách, thì vẫn còn nhiều động lực quan trọng hỗ trợ giá vàng”, Giám đốc hoạt động Alex Ebkarian của công ty Allegiance Gold nhận định với hãng tin Reuters.
Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 12,6 tấn vàng trong phiên ngày thứ Năm, nâng khối lượng nắm giữ lên mức 949,7 tấn vàng. Trong hai phiên vừa qua, quỹ này mua gần 25 tấn vàng.