Giá vàng miếng “cố thủ” mốc 69 triệu đồng/lượng dù thế giới giảm mạnh
“Giá vàng đã gây thất vọng trong tháng 5, cho thấy sự suy yếu tức thì ngay khi đồng USD mạnh lên, và cũng không thể phục hồi nhiều khi đồng USD giảm giá trở lại"...
Giá vàng thế giới sụt khá mạnh khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng tăng trở lại, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (1/6) thậm chí không giảm mà còn tăng. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới vì thế kéo giãn, trong bối cảnh áp lực giảm lên giá vàng quốc tế vẫn lớn.
Lúc gần 11h trưa theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.837,7 USD/oz, giảm 0,7 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại New York. Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giảm 16,7 USD/oz so với chốt phiên trước đó.
Giá kim loại quý này chốt tháng 5 với mức giảm hơn 3,3%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái – khi giá vàng giảm gần 3,4%. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, giá vàng hiện tăng gần 1,1%.
“Giá vàng đã gây thất vọng trong tháng 5, cho thấy sự suy yếu tức thì ngay khi đồng USD mạnh lên, và cũng không thể phục hồi nhiều khi đồng USD giảm giá trở lại và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống”, nhà phân tích cấp cao Jeffrey Halley của Oanda nhận xét. “Đó là một dấu hiệu cho thấy giá vàng sẽ giảm sâu hơn nếu cả đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng trở lại với xu hướng tăng”.
Vị chuyên gia nói thêm rằng trừ phi căng thẳng ở Đông Âu tăng mạnh, có vẻ như sự điều chỉnh giảm của giá vàng sẽ tiếp tục trong tháng 6.
Giá vàng đã giảm từ mức xấp xỉ 1.900 USD/oz vào đầu tháng xuống đáy của 3 tháng là 1.786,6 USD/oz vào trung tuần tháng 5, khi đồng USD tăng giá lên mức cao nhất 2 thập kỷ. Gần đây, giá vàng hồi phục nhưng không thể bứt phá khỏi vùng 1.850 USD/oz.
Trong phiên ngày thứ Ba, giá vàng giảm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên gần 2,9% từ mức 2,7% trước đó. Ngoài ra, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD cũng tăng lên mức 101,9 điểm, từ mức 101,6 điểm trước đó.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, nhà quản lý quỹ Stephen Innes của SPI Asset Management nói rằng giá vàng đã “trụ” rất tốt trong giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo ông Innes, đó là do thị trường vẫn đang tính đến khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái khi lãi suất tăng lên.
Lãi suất cao làm gia tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, nhưng vàng cũng là một tài sản an toàn mỗi khi xảy ra khủng hoảng kinh tế như suy thoái. Theo dự báo, Fed sẽ tiếp tục có hai đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong tháng 6 và tháng 7.
Lúc gần 11h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,15 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 100.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,95 triệu đồng/lượng và 54,7 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,3 triệu đồng/lượng và 69,3 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 17,5-17,6 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.060 đồng (mua vào) và 23.340 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Với tỷ giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương khoảng 51,7 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với sáng qua.