Giá vàng thế giới giảm chóng mặt vì sự cứng rắn của Fed, trong nước tăng mạnh
Giá vàng miếng trong nước sáng nay (16/12) không những không giảm theo giá thế giới mà còn tăng mạnh, khiến chênh lệch với giá vàng quốc tế tăng thêm gần 1 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới trượt sâu dưới ngưỡng chủ chốt 1.800 USD/oz do đồng USD tăng giá và mối lo của nhà đầu tư về sự cứng rắn mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thể hiện trong cuộc họp vào tuần này. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (16/12) không những không giảm mà còn tăng mạnh, khiến chênh lệch với giá vàng quốc tế tăng thêm gần 1 triệu đồng/lượng.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm tại thị trường New York, giá vàng giao ngay sụt 30,8 USD/oz, tương đương giảm 1,7%, còn 1.778 USD/oz - theo dữ liệu từ Kitco.
Lúc gần 9h sáng, giá vàng giao ngay tại châu Á giảm thêm 0,2 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, còn 1.777,8 USD/oz. Mức giá này tương đương 50,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Đây là vùng giá thấp nhất của vàng trong khoảng 1 tuần trở lại đây. Áp lực mất giá đối với kim loại quý này đến đồng thời từ việc đồng USD lên giá và nỗi lo lãi suất tăng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Năm với mức tăng gần 0,8%, đạt 104,6 điểm.
Kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, Fed tuyên bố dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 và sẽ không giảm lãi suất trước năm 2024. Ngoài ra, mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ tăng này được Fed dự báo sẽ là 5,1%, cao hơn nhiều so với mức 4,6% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 9.
“Trọng tâm của chúng tôi hiện nay thực sự là đưa vị thế chính sách tiền tệ lên một mức đủ thắt chặt để đảm bảo lạm phát sẽ hạ về mức mục tiêu theo thời gian, chứ chưa phải là cắt giảm lãi suất”, ông Powell nói hôm thứ Tư.
Môi trường lãi suất cao và kéo dài không có lợi cho giá vàng, vì vàng là tài sản không mang lãi suất. Việc Fed tăng lãi suất cũng có lợi cho đồng USD, đồng thời tạo thêm áp lực giảm giá lên vàng, vì vàng được định giá bằng USD.
“Fed vẫn duy trì thông điệp cứng rắn, bất chấp triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi. Fed nói sẽ không sớm cắt giảm lãi suất, và điều khó khiến cho các nhà đầu cơ cảm thấy không có lý do để mua vàng”, chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities phát biểu.
Giá vàng thế giới đã có lúc giảm 0,8% trong phiên ngày thứ Tư, sau đó chốt phiên với mức giảm ít hơn, để rồi lại giảm sâu trong phiên ngày thứ Năm.
Phiên này, giá vàng còn chịu áp lực giảm từ động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Cả hai đều năng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, ít hơn so với mức tăng 0,75 điểm phần trăm của lần họp trước, nhưng phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals nói rằng vàng và bạc bị bán tháo cũng do áp lực chốt lời từ các nhà giao dịch sau đợt tăng gần đây.
Tuy nhiên, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 2,3 tấn vàng trong phiên ngày thứ Năm, nâng khối lượng nắm giữ lên mức gần 913,9 tấn.
Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,9 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,85 triệu đồng/lượng và 53,7 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở hai đầu giá.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,15 triệu đồng/lượng và 66,95 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 16,2 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 15,3-15,4 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.400 đồng (mua vào) và 23.680 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.