Giá vàng trong nước tụt theo thế giới
Chênh lệch giá vàng miếng với giá vàng thế giới quy đổi giảm khoảng 700.000 đồng/lượng trong tuần này do giá trong nước tăng yếu hơn so với giá quốc tế...
Giá vàng thế giới giảm sau mấy phiên tăng liên tiếp, kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (15/4) giảm theo. Tuy nhiên, cả giá vàng thế giới và trong nước đều có một tuần tăng giá.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm tương ứng 280.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,85 triệu đồng/lượng và 56,65 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,95 triệu đồng/lượng và 69,55 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng sáng nay cao hơn 14,8 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 15,1 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Đây là lần đầu tiên sau nhiều ngày trở lại đây, chênh lệch giữa giá vàng miếng với giá vàng thế giới quy đổi giảm dưới 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.975,2 USD/oz, bằng với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 54,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.760 đồng và 23.040 đồng, tương ứng giá mua và bán, tăng 20 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.
Trong phiên Mỹ ngày thứ Năm, giá vàng giao ngay giảm 3,1 USD/oz, tương đương giảm gần 0,2%, chốt ở 1.975,2 USD/oz. Phiên ngày thứ Sáu, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Cả tuần, giá vàng thế giới tăng hơn 1,5% và giá vàng miếng tăng 150.000 đồng/lượng, tương đương tăng 0,2%. Chênh lệch giá vàng miếng với giá vàng thế giới quy đổi giảm khoảng 700.000 đồng/lượng trong tuần này do giá trong nước tăng yếu hơn so với giá quốc tế.
Trong tuần, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị và phòng ngừa lạm phát.
“Rủi ro địa chính trị tiếp tục gia tăng do chiến tranh Nga-Ukraine. Điều này đẩy giá hàng hoá cơ bản nói chung tăng cao, tạo ra một môi trường lạm phát nóng”, có lợi cho giá vàng – nhà quản lý quỹ Stephen Innes của SPI Asset Management phát biểu.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 và cao hơn dự báo tăng 8,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Báo cáo ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 11,2% trong tháng 3, mạnh nhất kể từ năm 2010.
Giới đầu đang lo ngại rằng lạm phát leo thang sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt. Trong môi trường chính sách thắt chặt, giá vàng sẽ gặp bất lợi do vàng là kênh đầu tư không mang lãi suất. Đây chính là lý do khiến giá vàng khó bứt phá lên ngưỡng 2.000 USD/oz.
“Tôi cho rằng các dữ liệu đang ủng hộ một hành động chính sách mạnh mẽ, nếu Fed chọn hành động như vậy. Các dữ liệu đang tạo ra cơ sở để chúng tôi hành động như vậy”, ông Christopher Waller, một thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Fed, nói với CNBC hôm thứ Tư. “Tôi muốn đi trước đón đầu, nên việc nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5 sẽ là phù hợp. Tiếp đó, lãi suất cũng cần được tăng trong tháng 6 và tháng 7”.