06:14 10/08/2011

Giá xăng, dầu biến động dữ dội

Diệp Anh

Từ đầu tháng 8 tới giờ, giá dầu thô quốc tế đã trượt giảm 17%, trong khi tính từ đầu năm tới nay, "vàng đen" đã giảm giá 13%

Giá xăng, dầu biến động dữ dội.
Giá xăng, dầu biến động dữ dội.
Giá xăng, dầu trên thị trường quốc tế vừa trải qua một phiên giao dịch biến động dữ dội. Sau khi bất ngờ giảm xuống dưới 76 USD/thùng trên thị trường châu Á, "vàng đen" tăng mạnh trở lại, có lúc chạm tới 83,05 USD/thùng, nhưng sau đó lại giảm sâu.

Chốt phiên giao dịch hôm qua (9/8) tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 giảm 2,01 USD, tương ứng 2,5%, xuống 79,03 USD/thùng, mức chốt thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Vào 9h40 sáng cùng ngày (giờ Việt Nam), dầu thô loại này còn rớt xuống mức 75,71 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Biển Bắc cũng chốt ở mức thấp. Dầu hợp đồng tháng 9 loại này hạ 1,17 USD, xuống 102,57 USD/thùng tại sàn giao dịch London. Trước đó, trong phiên châu Á, dầu Biển Bắc còn giao dịch dưới ngưỡng 100 USD/thùng.

Tương tự, các chế phẩm năng lượng khác tiếp tục đóng cửa ở mức thấp, sau khi đã trượt giá khá nhiều trong phiên đầu tuần. Xăng giao tháng 9 mất 2 xu, tương ứng 0,9%, xuống 2,67 USD/gallon, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011. Từ đầu tháng tới nay, giá xăng đã giảm 14%.

Dầu sưởi giao tháng 9 giảm 4 xu, tương ứng 1,3%, xuống 2,76 USD/gallon, mức chốt thấp nhất kể từ cuối tháng 6 tới nay. Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng chung là khí đốt tự nhiên. Giá khí đốt giao tháng 9 tăng 6 xu, tương ứng 1,5%, lên 3,99 USD.

Nguyên nhân chính khiến giá xăng, dầu hôm qua giảm sâu là bởi thị trường tiếp tục có những phản ứng tiêu cực trước việc Standard & Poor's cuối tuần trước hạ bậc tín nhiệm cao nhất của Mỹ.

Quyết định của Standard & Poor's đã gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu và khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc suy thoái kinh tế mới tại Mỹ, cũng như tình trạng ngày càng xấu đi của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Tính từ đầu tháng 8 tới giờ, giá dầu thô quốc tế đã trượt giảm 17%. Còn tính từ đầu năm tới nay, mức suy giảm của "vàng đen" đã lên tới 13%.

Phiên hôm qua, sau khi hạ sâu, giá dầu đã bứt phá mạnh trở lại lên trên vùng 80 USD/thùng, nhưng tới chốt phiên lại quay đầu giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ra tuyên bố kéo dài lãi suất cơ bản siêu thấp hiện nay ít nhất là tới năm 2013.

Một số chuyên gia nhận định rằng nhiều khả năng kinh tế Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kép, và điều này sẽ tác động mạnh tới nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, những lo ngại gần đây về việc cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu có thể lan sang Italy, nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu, cũng đã ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tin của các nhà đầu tư.

Shailaja Nair, thuộc trang thông tin năng lượng thế giới Platts, cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu "tụt dốc" và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, cũng là những nhân tố đẩy giá dầu xuống.

Thị trường cũng chịu tác động mạnh bởi tín hiệu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Trong một báo cáo công bố ngày hôm qua, OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong năm nay và năm 2012.

Theo tổ chức trên, "những mối lo lắng về tình hình kinh tế cùng giá dầu cao" đã tác động tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ở các nước phát triển, dẫn tới lượng tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng trong suốt mùa hè nóng bỏng.

OPEC dự đoán, tiêu thụ dầu toàn cầu tăng trưởng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2011, thấp hơn 150.000 thùng so với báo cáo trước đây. Còn trong năm 2012 kế tiếp, mức tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu là 1,3 triệu thùng/ngày, cũng thấp hơn so với dự báo lần trước.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo đưa ra cuối phiên 9/8, Cơ quan thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2011 và 2011. Cụ thể, lượng tiêu thụ năm nay là 1,4 triệu thùng dầu/ngày và 1,6 triệu thùng/ngày trong năm kế tiếp.