“Giá xăng tăng, người dân cũng được bù lỗ”
20% khoản bù lỗ giá xăng dầu tăng sẽ được dành hỗ trợ người tiêu dùng, trước mắt là những người có hoàn cảnh khó khăn
20% khoản bù lỗ giá xăng dầu tăng sẽ được dành hỗ trợ người tiêu dùng, trước mắt là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đó là thông tin từ Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương tổ chức họp báo ngày 24/3, để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian tới.
Thưa Thứ trưởng, Thủ tướng chỉ đạo phải đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, nhưng hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên tục “kêu” lỗ, trong khi việc bù lỗ từ nhà nước lại quá chậm trễ. Vậy, nếu doanh nghiệp không còn vốn để kinh doanh thì Chính phủ sẽ giải quyết như thế nào?
Hai tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính đã cố gắng thu xếp được hơn 10.000 tỷ đồng để bù lỗ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên mục tiêu bù lỗ 95% khoản lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã không thực hiện được.
Do đó, để đảm bảo nguồn cung được liên tục, Thủ tướng đã có chỉ đạo hoàn toàn mới, đó là từ nay trở đi, Bộ Tài chính phải thu xếp thực hiện phương thức tạm ứng bù lỗ trước cho các doanh nghiệp theo kế hoạch để các doanh nghiệp có đủ vốn nhập khẩu xăng dầu.
Cụ thể, Nhà nước sẽ căn cứ vào lượng xăng dầu phải nhập tối thiểu của các doanh nghiệp và mặt bằng giá đã hình thành để thực hiện bù 95% cho các doanh nghiệp chứ không thực hiện bù lỗ như trước đây là theo quyết toán hằng tháng, hàng năm của doanh nghiệp.
Mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, ngoài việc doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu áp lực thì người tiêu dùng mới chính là đối tượng gánh “hậu quả”. Vậy, tại sao chúng ta chỉ quan tâm tới việc bù lỗ cho doanh nghiệp mà không có cơ chế hỗ trợ người tiêu dùng?
Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng đề cập tới trong cuộc họp vừa qua.
Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo, từ nay trở đi, mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì các doanh nghiệp không được nhận 100% khoản bù lỗ như trước đây mà chỉ được nhận 80%. 20% còn lại sẽ được dùng để hỗ trợ người tiêu dùng, mà trước mắt là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các ngư dân đánh bắt xa bờ…
Thủ tướng đã chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được tăng giá từ nay đến tháng 6/2008 (nếu không có đột biến giá thế giới). Liệu Nghị định 55/CP đã hết hiệu lực?
Việc giữ giá xăng dầu từ nay đến tháng 6/2008 không có nghĩa là quay trở lại cơ chế cũ, mà chỉ thể hiện vai trò của Nhà nước bằng cách tạm thời giãn tiến độ giá thị trường đối với mặt hàng xăng dầu trong giai đoạn khó khăn này.
Mục tiêu của Chính phủ là bình ổn giá xăng dầu. Vì vậy, cơ chế mà chúng ta đang thực hiện là cơ chế thị trường có sự điều hành của Nhà nước, tức Nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò điều phối, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay.
Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cũng phải có trách nhiệm cùng với Nhà nước thực hiện mục tiêu quan trọng là kiểm soát và kiềm chế lạm phát.
Đối với thuế nhập khẩu, nếu giá dầu thô thế giới ở mức 105 USD/thùng trở lên thì không áp thuế nhập khẩu; còn từ 100 USD/thùng trở xuống thì có thể áp thuế tuỳ hoàn cảnh cụ thể. Mức 105 USD được chọn vì đây là mức mà liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã lấy làm “mặt bằng” khi tiến hành chuyển đối cơ chế kinh doanh xăng dầu ngày 25/2 vừa qua. Diễn biến giá xăng dầu mấy tuần qua cho thấy có xu hướng chỉ dao động quanh mức này.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được đề cập đến từ lâu nhưng vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện được, thưa Thứ trưởng?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu do Bộ Công Thương và Tổng công ty Xăng dầu phối hợp xây dựng đã được Thủ tướng tán thành. Thủ tướng đã giao Bộ thực hiện tiếp và chúng tôi sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.
Cơ chế hình thành quỹ sẽ là mặt bằng giá trong nước và giá dầu thế giới ở mức 105 USD ngày 25/2 vừa qua sẽ được lấy làm mức giá chuẩn từ nay cho đến hết tháng 6.
Trong trường hợp giá dầu xuống dưới 105 USD, chúng ta vẫn giữ giá như hiện nay để các doanh nghiệp có cơ hội bù lại lợi nhuận thời gian qua.
Về sau, giá trong nước sẽ được tính bằng giá thế giới quy đổi cộng với chi phí, lợi nhuận ở mức hợp lý của các doanh nghiệp và một phần lợi nhuận để đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ sử dụng quỹ dự trữ quốc gia một cách linh hoạt vào việc bình ổn giá xăng dầu.