09:13 10/01/2008

“Giải khát” thông tin cho nhà đầu tư địa ốc ngoại

Thùy Trang

Nhà đầu tư nước ngoài rất "khát" thông tin về môi trường chính sách hỗ trợ đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản

Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, năm 2008 sẽ mở ra cơ hội lớn hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, năm 2008 sẽ mở ra cơ hội lớn hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản.
Hơn 20 nhà đầu tư Singapore đã đến Hà Nội tham dự Hội thảo Kết nối đầu tư Việt Nam 2008 do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phối hợp Allevents Group (AEG) tổ chức ngày 9-10/1/2008.

Có lẽ chủ đề chính của Hội thảo liên quan đến việc phát triển thị trường bất động sản đã “hút” họ đến đây nhằm thoả mãn “cơn khát” thông tin về lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn này.

Tại cuộc thảo này, bên cạnh việc tìm hiểu những dự án đầu tư bất động sản phù hợp ở Việt Nam, vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm nhất là nắm bắt thông tin về môi trường chính sách hỗ trợ đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản.

Từ những quan tâm của doanh nghiệp chưa đến Việt Nam

Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, năm 2008 sẽ mở ra cơ hội lớn hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản. Lí do là gần đây, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai đã được cải thiện. Các luật này gần như đồng Bộ và hoà nhập với nhau cùng với Luật dân sự đã tạo được một môi trường pháp lý tương đối thuận lợi cho nhà đầu tư khi bỏ đồng vốn vào thị trường bất động sản của Việt Nam.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới dẫn đến nhu cầu bất động sản cũng tăng lên và tất yếu lợi nhuận thu được trong lĩnh vực này cũng sẽ tăng nhanh hơn.

Nhận thấy triển vọng đầu tư và nhu cầu trên thị trường bất động sản của Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới nhưng các nhà đầu tư không khỏi lo lắng về hiện tượng “bong bóng” có thể diễn ra và muốn tìm hiểu xem Việt Nam có kế hoạch nào để đảm bảo thị trường phát triển bền vững (?).

Chia sẻ mối băn khoăn của nhà đầu tư, ông Đỗ Đức Đôi, Phó Vụ trưởng Vụ đăng ký và thống kê đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng bất kể nhà đầu tư nào cũng đều có những lo lắng khi đầu tư ở một nước khác không phải là nước mình. Để tránh những lo lắng đó, theo ông Đôi, các nhà đầu tư nước ngoài trước khi đầu tư vào Việt Nam cần tìm hiểu kỹ về pháp luật trong lĩnh vực bất động sản. Và nên thông qua các cơ quan hành chính hay cơ quan tư vấn chính thức của Việt Nam để tìm hiểu thông tin, tránh qua các “cò mồi”.

Ông giải thích: “cò mồi” ở Việt Nam không là ngành nghề kinh doanh như các nước khác, do không được quản lí nên tìm hiểu qua họ khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiểu lệch lạc chính sách pháp luật về đất đai của Việt Nam. Vị Phó vụ trưởng khẳng định: Vừa qua, Việt Nam đã có Chính phủ mới, nhiều bộ ngành đã được tổ chức lại nhưng những vấn đề cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài không thay đổi, vẫn đảm bảo quyền lợi của họ. Chính vì vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào đây.

Trả lời câu hỏi của một nhà đầu tư Singapore về đâu là vấn đề khó khăn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam, ông Đôi cho rằng với nền chính trị ổn định, không có xáo trộn lớn trong xã hội nên việc các nhà đầu tư nước ngoài bỏ đồng vốn vào Việt Nam tương đối yên tâm. Tuy nhiên, hệ thống tài chính để bảo đảm hỗ trợ cho các nhà đầu tư chưa thật hoàn hảo.

Cụ thể, ở nước ngoài có cơ chế cho thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Tại Việt Nam, chưa có tổ chức ngân hàng nào lãnh trách nhiệm đó và bản thân các quy định của pháp luật vẫn còn dè dặt trong những bước đi này.

Một câu hỏi lớn cũng được các doanh nghiệp tham gia hội thảo đặc biệt quan tâm là chính sách của Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào để hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là việc ban hành Luật Đầu tư chung đã đem lại sự bình đẳng cho mọi đối tượng đầu tư.

Tương tự, Luật Đất đai 2003 sửa đổi cũng không có chương về người nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam mà chỉ có các điều khoản quy định nhằm tránh sự phân biệt. Thậm chí, trong Luật đất đai, nhà đầu tư trong nước còn được ít quyền hơn nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước khi thuê đất chỉ được trả tiền thuế đất hàng năm, không được trả tiền một lần. Còn các nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn trả tiền một lần hoặc hàng năm.

Cụ thể hơn, ông Đôi cho biết, Chính phủ đã ra Nghị quyết 16 trong đó giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất với Chính phủ cơ chế rà soát các chính sách liên quan đến đất đai, xây dựng và tài chính để hỗ trợ khuyến khích đầu tư trong phát triển thị trường bất động sản bao gồm cả đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Đồng thời giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chính sách, cơ chế cung cấp thông tin về tài nguyên đất đai để giúp nhà đầu tư tìm hiểu thông tin nhanh nhất thông qua một đầu mối. Được biết, gần đây, Chính phủ cũng đã cho phép một công ty tại Tp.HCM lập Tổng công ty giải phóng mặt bằng. Theo đó, công ty này sẽ tự bỏ vốn để giải phóng mặt bằng và trả lại đất sạch cho nhà đầu tư.

Đến mối lo lắng của doanh nghiệp đã hiện diện

Chính sách của Thành phố Hà Nội về mặt bằng phát triển thương mại đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài và quy trình xin đất và tiếp cận các dự án của thành phố và tham gia đầu tư là vấn đề được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam quan tâm.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: chính sách khuyến khích đầu tư về đất đai của Việt Nam được quy định thống nhất trong toàn quốc, chỉ có điều quỹ đất của mỗi địa phương khác nhau. Trình tự thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai về mặt đầu tư được quy định tại Nghị định của Chính phủ.

Theo đó, để có một dự án đầu tư, trước hết phải xin được giấy phép đầu tư trong đó xác định thời hạn đầu tư, lĩnh vực đầu tư và trong đó nêu nhu cầu sử dụng đất là bao nhiêu. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư đến Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để được hướng dẫn chi tiết.

Thông thường, các nhà đầu tư khi đến các cơ quan hành chính này thường nhận được câu hỏi: nhà đầu tư muốn có đất ở khu vực nào? Từ đó, họ sẽ được giới thiệu địa điểm. Tuy nhiên, riêng ở Hà Nội, việc giới thiệu địa điểm đầu tư lại do Sở Kiến trúc và Quy hoạch Hà Nội thực hiện. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cho các bộ ngành và UBND các tỉnh rà soát lại các quy chế, đặc biệt quy chế liên thông một cửa còn bất hợp lí giữa các bộ ngành để thống nhất một đầu mối, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Một trong những khó khăn mà nhà đầu tư thường xuyên “vướng” là việc cung cấp thông tin của các cơ quan hành chính còn rất tản mạn. Sắp tới đây, việc cung cấp thông tin giữa các bộ ngành thông qua mạng sẽ được triển khai thông qua thỏa thuận đã được ký kết như giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Xây dựng.

Một vấn đề cụ thể khác cũng được doanh nghiệp đặt ra tại hội nghị. Các đơn vị quân đội thường có quỹ đất lớn, nhưng khi một doanh nghiệp muốn liên kết với đơn vị quân đội đó để triển khai dự án bất động sản gặp rất nhiều khó khăn để xin giấy phép xây dựng.

Về vấn đề này, ông Đỗ Đức Đôi trả lời ngay rằng việc công an xây dựng không cấp phép xây dựng là hoàn toàn đúng. Việc quy hoạch đất cho quân đội nhằm phục vụ một số mục đích như lập doanh trại, trường bắn, phục vụ mục đích quân sự. Khi quân đội muốn chuyển một mảnh đất nào đó, nghĩa là không có nhu cầu phục vụ mục đích quân sự mà chuyển sang nhu cầu kinh tế, thì đơn vị bộ đội đó phải làm thủ tục tách mảnh đất đó ra khỏi mục đích quân sự và giao cho đơn vị quân đội có nhiệm vụ làm kinh tế.

Khi mảnh đất tách khỏi quy hoạch quân sự, đơn vị kinh tế của bộ đội đó có quyền liên doanh với đơn vị khác theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và những quy định của Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp mới có thể xin được giấy phép xây dựng. Trong trường hợp đơn vị quân đội đó đứng tên hoàn toàn công trình mà không liên doanh thì vẫn phải làm giấy phép xây dựng.