13:00 21/05/2024

Giải pháp để không chậm nhịp phát triển thị trường trái phiếu bền vững

Phan Linh

Trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững và tín dụng xanh được cho là những trụ cột của tài chính bền vững, nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ với thế giới về phát thải ròng cũng như tận dụng nguồn lực bên ngoài để đưa nền kinh tế phát triển bền vững; đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Dù vậy, sự ngập ngừng đưa ra bản vẽ kiến trúc hạ tầng, thước đo kỹ thuật về sản phẩm, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức phát hành, văn hóa quản trị doanh nghiệp, minh bạch… đã dẫn đến chậm nhịp của dòng chảy nguồn vốn xanh...

Các chuyên gia thảo luận giải pháp phát triển thị trường trái phiếu bền vững ở Việt Nam.
Các chuyên gia thảo luận giải pháp phát triển thị trường trái phiếu bền vững ở Việt Nam.

Theo bà Tạ Bích Thảo, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VNBA), trái phiếu bền vững là sản phẩm trái phiếu được phát hành với mục đích huy động vốn để tài trợ cho các dự án, chương trình mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội.

TIÊU CHÍ DANH MỤC XANH QUỐC GIA TRÌ HOÃN 2 NĂM

Đại diện VNBA cho biết thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lần lượt đạt 4 nghìn tỷ USD và 1,5 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023. Con số này của các nước thành viên ASEAN+3 đã tăng 29,3% vào năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và của Eurozone. Dư nợ trái phiếu bền vững tại các nước ASEAN+3 đạt 798,7 tỷ USD vào cuối năm 2023 và chiếm khoảng 20% lượng trái phiếu bền vững toàn cầu.

Như vậy, xu hướng phát triển của trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững là tất yếu để triển khai và đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc cũng như thực hiện các cam kết của chính phủ các nước về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0.

Việt Nam là một trong 5 nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu làm giảm thu nhập quốc dân của đất nước tới 3,5% vào năm 2050. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương với 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0. Trong đó, hành trình khử Carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

Bởi vậy, phát triển trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm và nêu rõ chủ trương, thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Trung ương và một số văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và các đối tác đồng tổ chức ngày 17/5/2024, các chuyên gia đánh giá Việt Nam chậm nhịp trong việc phát triển thị trường trái phiếu bền vững.

Theo đó, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước ban hành sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. Đây là bước đầu trong việc hoàn thiện cơ sở chính sách, cơ chế đối với việc phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam.

Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng Danh mục phân loại xanh. Danh mục phân loại xanh là danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường. Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải trình Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh trước 31/12/2022 nhưng đến nay đã bị hoãn đến 2 năm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng đây là nút thắt lớn nhất mà các bộ, ngành cần giải quyết rốt ráo, dứt điểm trong thời gian ngắn để khơi thông dòng vốn xanh. Cần có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các nhà đầu tư có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Điều này đặc biệt quan trọng với các nhà đầu tư tổ chức.

Theo các chuyên gia, hiện nay, thị trường trái phiếu cơ sở của Việt Nam đang tồn tại rất nhiều điểm nghẽn, trong khi trái phiếu xanh còn đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn trái phiếu thông thường.

Đơn cử như yêu cầu công bố, minh bạch thông tin, bởi lẽ, việc công bố thông tin sẽ ngăn ngừa và kiểm soát hành vi “tẩy xanh”. “Tẩy xanh” ám chỉ việc các công ty đưa ra tuyên bố không có cơ sở nhằm đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của họ là thân thiện với môi trường, hoặc có tác động tích cực đối với môi trường hơn so với thực tế.

CHO PHÉP ÁP DỤNG QUY ĐỊNH QUỐC TẾ

Các chuyên gia đánh giá quy định về phát hành trái phiếu xanh hiện nay chưa cụ thể, rõ ràng, chưa có những quy định hỗ trợ, khuyến khích các bên tham gia thị trường trái phiếu xanh nói riêng và trái phiếu bền vững nói chung. Do đó, việc rà soát lại khuôn khổ pháp lý là yêu cầu bức thiết.

Một vấn đề quan trọng khác được các chuyên gia đề cập là các quy định tiêu chuẩn dự án xanh. Để huy động nguồn lực cho phát triển bền vững thì buộc phải tìm đến các nguồn vốn quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, quy định pháp luật của Việt Nam đang yêu cầu các doanh nghiệp huy động vốn xanh phải đáp ứng các quy định do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra. Do đó, các chuyên gia đề xuất cơ quan quản lý sửa đổi, mở rộng theo hướng quy định dự án xanh hay trái phiếu xanh là dự án, trái phiếu đáp ứng được được tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn của Việt Nam.

Để có nguồn vốn dài hạn cho trái phiếu bền vững thì phải có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp dài hạn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp bảo hiểm không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu nợ.

Theo giới phân tích, vấn đề này cần các cơ quan ban hành chính sách cân nhắc. Đây là nguồn vốn có tính dài hạn, ổn định, nếu có thể huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ cho thị trường trái phiếu xanh thì đó cũng là một cú huých hoặc có thể giải tỏa một điểm nghẽn của thị trường.

Ngoài ra, chi phí phát hành trái phiếu xanh trên thực tế có thể cao hơn chi phí phát hành trái phiếu thông thường, vì yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng thêm các tiêu chí, cải tiến các quy trình hoạt động nội bộ, đây là nhân tố khiến doanh nghiệp ngập ngừng trong chuyển đổi xanh. Do đó, Chính phủ có thể cân nhắc những giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sớm hòa nhập vào xu thế này...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải pháp để không chậm nhịp phát triển thị trường trái phiếu bền vững - Ảnh 1