Giám đốc công ty giáo dục cấp chứng chỉ tin học giả mạo
Cơ quan điều tra xác định hai bị cáo đã chiếm đoạt của 164 bị hại số tiền 410 triệu đồng, trong đó có 102 người yêu cầu bồi thường, 62 người không yêu cầu bồi thường.
Ngày 12/7, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo Lê Thị Vinh (SN 1991, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) và bị cáo Đỗ Thanh Tuân (SN 1987, ở huyện Thường Tín, Hà Nội).
Trước đó, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) xét xử sơ thẩm và phạt bị cáo Vinh mức án 9 năm 6 tháng và Tuân 4 năm 6 tháng về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Vinh kháng cáo kêu oan, bị cáo Tuân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 1/2015, Lê Thị Vinh thành lập Công ty cổ phần giáo dục đào tạo trực tuyến Slearning rồi để chồng làm giám đốc. Thực chất bị cáo là người điều hành trực tiếp mọi hoạt động của công ty Slearning, còn chồng không tham gia.
Tháng 6/2016, qua quan hệ xã hội, Vinh quen Tuân. Tuân giới thiệu đang làm việc tại Phòng khám đa khoa quốc tế Thanh Chân, bản thân Tuân có mối quan hệ với Viện công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể giúp tổ chức thi cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.
Lúc này, Vinh tự tìm hiểu nên biết được thông tin có nhiều giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Nội cần chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để đủ điều kiện thi công chức viên chức theo thông tư 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo và thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và truyền thông.
Vinh bàn với Tuân, Công ty Slearning sẽ đứng ra tuyển sinh, nhận hồ sơ và thu tiền của học viên rồi chuyển cho Tuân lo việc tổ chức thi cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, Tuân đồng ý.
Từ đầu tháng 8/2016 đến cuối tháng 9/2016, Công ty Slearning đã thu tiền, hồ sơ của 442 học viên đăng ký thi lấy chứng chỉ tin học mức phí 2,5 triệu đồng người; chứng chỉ tiếng Anh A2 mức phí 3,5 triệu đồng/người; chứng chỉ tiếng Anh B1 mức phí 10 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, do việc tổ chức thi bị trì hoãn nhiều lần nên Công ty Slearning đã trả lại tiền cho một số người.
Sau đó, Vinh đã đưa cho Tuân một phần tiền và hồ sơ đăng ký dự thi của các học viên để Tuân liên hệ với Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Vinh tổ chức thi và cấp chứng chỉ tin học, tiếng Anh A2, tiếng Anh B1.
Tuân thuê đối tượng Thanh (không rõ lai lịch) quen qua mạng Internet làm chứng chỉ tin học của Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội với giá 1,1 triệu đồng chứng chỉ. Bị cáo nhận lại khoảng hơn 100 chứng chỉ tin học chuyển cho Vinh phát cho các học viên.
Đến cuối tháng 10/2016, nhiều học viên phát hiện chứng chỉ tin học có dấu hiệu giấy tờ giả nên đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an.
Cơ quan điều tra xác định hai bị cáo đã chiếm đoạt của 164 bị hại số tiền 410 triệu đồng, trong đó có 102 người yêu cầu bồi thường, 62 người không yêu cầu bồi thường.
Bị cáo Tuân thừa nhận hành vi bị cáo buộc. Tuy nhiên, bị cáo Vinh cho rằng bị cáo là nạn nhân trong hành vi lừa đảo của Tuân. Bản thân Vinh tin tưởng Tuân là trưởng phòng đào tạo Trung tâm hợp tác phát triển giáo dục và đào tạo thuộc Viện Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội nên mới hợp tác. Bị cáo không biết chuyện Tuân làm giả chứng chỉ, cũng không bảo Tuân làm giả.
Bản án sơ thẩm cho rằng căn cứ vào lời khai của các học viên, kết quả giám định, do hám lợi, mặc dù biết rõ không có chứng chỉ tin học của Viện Công nghệ thông tin song Vinh vẫn đăng thông tin quảng cáo, tư vấn thông tin không đúng sự thật, thuê địa điểm học và ôn thi...
Lời khai của các học viên thể hiện, Vinh làm giám khảo, chỉ đạo giám thị phát đề, thu bài, kiểm tra thông tin học viên. Như vậy, Vinh đã đồng phạm với Tuân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi xét xử, tòa phúc thẩm giảm nhẹ một phần hình phạt cho hai bị cáo, bị cáo Vinh bị xử phạt 8 năm 9 tháng, bị cáo Tuân bị xử phạt 4 năm 3 tháng về cả hai tội nói trên.