Giằng co điều chỉnh, thanh khoản tụt giảm
Thị trường diễn biến gần giống sáng hôm qua, khi lực cầu chững lại không đẩy giá, trong khi nhu cầu bán ngắn hạn cũng thấp. Kết quả là trạng thái lình xình đi ngang với thanh khoản sụt giảm khoảng 13% trên hai sàn niêm yết...
Thị trường diễn biến gần giống sáng hôm qua, khi lực cầu chững lại không đẩy giá, trong khi nhu cầu bán ngắn hạn cũng thấp. Kết quả là trạng thái lình xình đi ngang với thanh khoản sụt giảm khoảng 13% trên hai sàn niêm yết.
VN-Index kết phiên sáng vẫn tăng nhẹ 0,22% tương đương 2,69 điểm. Đây là mức tăng tốt nhất trong ngày và mức giảm sâu nhất đầu phiên của chỉ số cũng chỉ -0,74%. Biên độ dao động như vậy là khá hẹp.
Với cổ phiếu cũng vậy, ở giá thấp nhất, sàn HoSE có 92 mã điều chỉnh giảm từ 2% trở lên và 132 điều chỉnh từ 1-2%. Hầu hết điểm giá thấp nhất xuất hiện ngay 30 phút đầu phiên giao dịch. Đến cuối phiên sáng, chỉ còn 28 mã giảm trên 2% và 27 mã giảm từ 1-2%. Độ rộng của VN-Index cũng đang khá cân bằng với 197 mã tăng/217 mã giảm.
Thị trường chững lại trong sáng nay cũng không phải là điều gì bất thường. Lực cầu mua theo từng đợt hưng phấn. Hôm qua giao dịch cũng chậm trong buổi sáng và bên mua nhường chỗ cho người bán chốt lời, đến chiều dòng tiền dâng cao hơn và đẩy giá tăng. Hôm nay rất có thể cũng sẽ lặp lại kịch bản tương tự.
VN30-Index đang giảm 0,24% và chỉ có 8 mã tăng/20 mã giảm, cho thấy nhóm blue-chips là lý do thị trường giảm tốc. GAS vẫn xuất sắc tăng 3,33%, là trụ nâng đỡ chỉ số tốt nhất, đáng tiếc là chỉ với VN-Index. Mặc dù giá dầu thế giới vẫn đang lình xình điều chỉnh, nhưng kết quả kinh doanh quý 2 cho thấy mức lợi nhuận đột biến nhờ mức giá trung bình cao và biên độ giá dầu hiện vẫn đảm bảo điều đó.
Ngoài GAS, nhóm dầu khí cũng có một số cổ phiếu mạnh như PVO tăng 3,6%, PSH tăng 2,7%, PVC tăng 1,8%, BSR tăng 1,6%. Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu năng lượng sàn HoSE đang tăng 1,05% và nhiều cổ phiếu điện cũng đang tăng tốt như REE tăng 2,67%, VSH tăng 0,76% trong khi các mã nhiệt điện hay điện khí vẫn đang giảm.
Nhóm tài chính phân hóa mạnh với các mã ngân hàng và chứng khoán. CTG tăng 1,4%, VCB tăng 0,51%, BID tăng 0,78%, STB tăng 1,04%, EIB tăng 1,49%, SHB tăng 0,99%, TPB tăng 0,72%... nhưng cũng hơn chục mã khác giảm, với cả các blue-chips như VPB, TCB, HDB. Cổ phiếu chứng khoán chỉ mạnh ở các mã nhỏ TVB, APG, HBS, APS, SBS, còn các blue-chips VND, SSI vẫn đang đỏ.
Nhóm bất động sản nhỏ hôm qua rất mạnh, sáng nay cũng đã hụt hơi. Vài mã duy trì được mức tăng khá tốt trên 3% như HAG, IDC, QCG, NBB, SZL, HDC, ITA, nhưng cũng cả loạt mã giảm từ trụ VIC, VRE tới các mã nhỏ hơn như DIG, SJS, CEO, VRC, HQC, PDR...
Nhìn chung trạng thái phân hóa là điều lành mạnh trong các nhịp chốt lời ngắn hạn. Tùy vào mức độ bán lớn đến đâu mà thanh khoản có nhiều hay không và giá dao động rộng hay hẹp. Như mới nói ở trên, lực bán không khiến giá sụt giảm quá nhiều và tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết chỉ đạt 9.207,6 tỷ đồng, giảm 13% so với sáng hôm qua. HoSE giảm 12%.
Thị trường vẫn đang có dòng tiền đón đỡ lực bán ngắn hạn này, vì thanh khoản cũng mới chỉ cải thiện vài phiên gần đây. Trước đó thị trường đi ngang tạo đáy và giao dịch rất nhỏ, nghĩa là chưa có dòng tiền mạnh mua, vì thế lượng vốn đứng ngoài sẽ chính là động lực cho những nhịp chốt lời như sáng nay hay sáng hôm qua. Thống kê riêng HoSE cho thấy đã có 144 cổ phiếu đảo chiều từ mức thấp nhất đầu phiên với biên độ hơn 2% giá trị. Nếu thị trường tiếp tục mạnh thêm trong buổi chiều, đó sẽ là tín hiệu rõ hơn nữa về dòng tiền chờ chực bắt đáy.
Khối ngoại sáng nay mua cũng chậm hơn nhưng vẫn duy trì vị thế ròng. Tổng mức giải ngân tại HoSE là 567 tỷ đồng, chiếm 6,1% tổng giao dịch sàn này. Mức bán ra đạt 407,6 tỷ đồng, tương ứng mua ròng gần 159,3 tỷ. SSI được mua ròng tốt nhất với 58 tỷ, HPG +40,8 tỷ, STB +33,9 tỷ, DXG +20,8 tỷ. Bán ròng ngoài chứng chỉ quỹ FUEVFVN30 với -47,3 tỷ thì chỉ còn VNM -30,5 tỷ là đáng kể.