20:57 06/04/2024

Giữ vững vị thế gia vị Việt trên thị trường thế giới

Chương Phượng

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gia vị hàng đầu thế giới, với kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngành hàng này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như tình trạng phá bỏ cây tiêu; chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia đối với cây quế, hay các quy định mới của EU về chống phá rừng…

Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế và đứng thứ hai về xuất khẩu hoa hồi.
Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế và đứng thứ hai về xuất khẩu hoa hồi.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Trong đó, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Xuất khẩu quế cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi.

THẾ MẠNH XUẤT KHẨU NHIỀU LOẠI CÂY GIA VỊ

Theo bà Hoàng Thị Liên, thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD/năm, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032. Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua, chiếm 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 264.094 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch 906,5 triệu USD. So với năm 2022, lượng xuất khẩu năm 2023 tăng 13,8%, tuy nhiên kim ngạch giảm 8% do giá xuất khẩu giảm.

Xét về thị trường, Mỹ là nước nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Việt Nam cũng giữ vị trí nguồn cung hạt tiêu lớn nhất vào thị trường Mỹ. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai, chiếm 22,8% trong tổng giá trị xuất khẩu tiêu của Việt Nam. Tiếp đến là các thị trường: Ấn Độ chiếm 4,9%; UAE chiếm 4,6% giảm 24,7%; Philippines chiếm 3,0%...

 

"Từ năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế. Năm 2023, Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần thương mại quế toàn cầu, với các thị trường tiêu thụ chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Mỹ..."

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam.

Quế và hồi cũng là hai loại gia vị chủ lực của Việt Nam. Diện tích trồng cây quế ở nước ta liên tục tăng nhanh, nếu như năm 2000 chỉ có 13.863 ha, thì đến năm 2023 đã lên tới 186.000 ha. Hiện Việt Nam đã trở thành nước có diện tích quế lớn nhất trên thế giới, với sản lượng vỏ quế đạt 72.000 tấn (năm 2023). 

Theo VPSA, năm 2023 Việt Nam xuất khẩu được 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam, chiếm 42,6% đạt 38.038 tấn, tăng 14% so với năm trước. Tiếp theo là các thị trường Mỹ chiếm 11,4% đạt 10.163 tấn, tăng 7%; Bangladesh chiếm 6,2% đạt 5.564 tấn, tăng 32,1%...

Với cây hồi, bà Liên cho hay sản lượng hồi của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc), với diện tích 55.000 ha, sản lượng hoa hồi đạt 22.000 tấn năm 2023. Hoa hồi là loài cây có giá trị kinh tế cao, cho ra các sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ... Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 16.136 tấn hoa hồi, kim ngạch đạt 83 triệu USD, Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam, lần lượt đạt 7.860 tấn và 4.116 tấn, chiếm 48,7% và 25,5% thị phần xuất khẩu.

Ngoài tiêu, quế, hồi, Việt Nam còn có nhiều loại cây gia vị khác cũng đang có đất phát triển. Cả nước có khoảng 68.100 ha trồng ớt, sản lượng ớt khô hàng năm khoảng 100.000 tấn. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 10.173 tấn ớt, kim ngạch đạt 20 triệu USD. Trung Quốc và Lào là hai thị trường xuất khẩu chính của ớt khô, đạt 8.651 tấn và 1.108 tấn, lần lượt chiếm 85,0% và 10,9% trong tổng lượng ớt xuất khẩu của Việt Nam.

Với gừng và nghệ, Việt Nam xuất khẩu được 34.976 tấn vào năm 2023, kim ngạch đạt 49,3 triệu USD, so với năm 2022, lượng xuất khẩu tăng gấp hơn hai lần. Các thị trường xuất khẩu gừng và nghệ chủ yếu gồm Trung Quốc chiếm 29,4% đạt 10.271 tấn, tăng 437,2%; Bangladesh chiếm 18,8% đạt 6.585 tấn, tăng 100%; Ấn Độ chiếm 12,6% đạt 4.394 tấn, tăng 49,9%; Lào chiếm 8,4% đạt 2.927 tấn, tăng 2.401,7%; Mỹ chiếm 4,3% đạt 1.498 tấn, tăng 33,0%... Ngoài ra còn phải kể đến bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, với lượng xuất khẩu 3.551 tấn, kim ngạch đạt 27,4 triệu USD trong năm 2023.

NHỮNG THÁCH THỨC PHẢI VƯỢT QUA

Dù là quốc gia xuất khẩu gia vị hàng đầu thế giới, song ngành hàng này cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Với ngành hồ tiêu, đó là tình trạng phá bỏ cây tiêu.

Lãnh đạo VPSA cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp phù hợp để đảm bảo tính bền vững cho hồ tiêu Việt Nam. Đối với ngành quế, Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường. Trong khi đó, tình trạng tồn dư hóa chất trong thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu trong vỏ cây quế vẫn còn xảy ra...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2024 phát hành ngày 01/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giữ vững vị thế gia vị Việt trên thị trường thế giới - Ảnh 1