20:00 27/12/2022

Giúp người dùng internet nhận biết, tránh “bẫy tin giả” trên mạng

Nhĩ Anh

Lần đầu tiên Việt Nam có “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại sự kiện ra mắt cuốn “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại sự kiện ra mắt cuốn “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”.

Đây là mục tiêu hướng đến của cuốn “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” được Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt, giới thiệu chiều ngày 27/12/2022.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT, XÁC ĐỊNH TIN GIẢ

Tin giả đang trở thành vấn nạn toàn cầu, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, nhiều quốc gia phải ban hành một luật riêng để đối phó với tin giả.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những năm gần đây, xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật.

Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cẩm nang ra đời sẽ cung cấp các thông tin kiến thức cần thiết để phòng chống, tạo sức đề kháng cho tổ chức cá nhân phòng chống tin giả, tin sai sự thật.
Cẩm nang ra đời sẽ cung cấp các thông tin kiến thức cần thiết để phòng chống, tạo sức đề kháng cho tổ chức cá nhân phòng chống tin giả, tin sai sự thật.

Đại diện Cục phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng Facebook, YouTube là 2 nền tảng chia sẻ nhiều tin giả nhất về chính trị, nói xấu chế độ; chống phá; bôi nhọ lãnh đạo; xuyên tạc chính sách, đường lối quan điểm phát triển đất nước.

Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện, nhưng tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn.

Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc từ phía các cơ quan quản lý, người dân cũng cần tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cho rằng mục tiêu Bộ Thông tin và Truyền thông hướng tới khi xây dựng ấn phẩm này là nâng cao nhận thức về trách nhiệm trên không gian mạng cho người dùng Internet ở Việt Nam.

Ông cũng nhấn mạnh 8 điều cần nhớ khi gặp tin giả. Theo đó bắt đầu từ các dấu hiệu nhận biết thế nào là tin giả trên không gian mạng như tiêu đề giật gân; thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn gốc không rõ ràng; thông tin từ các kênh/tài khoản mạng xã hội thường xuyên tung tin giả hoặc những trang/kênh/tài khoản không thuộc các cơ quan nhà nước, báo chí chính thống. Từ 3 dấu hiệu còn đang nghi ngờ sẽ tìm cách xác định tin giả qua 5 bước.

Với những nội dung cơ bản này, người dùng internet có thể trang bị được bộ lọc, sức đề kháng để đối phó với các loại tin giả trên không gian mạng.

CHUNG TAY LOẠI TRỪ TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Vấn đề xử lý tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng được nhiều cử tri quan tâm. Mới đây trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, nhiều câu hỏi về vấn đề này đã được đại biểu đặt ra và được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, nhiệm vụ xây dựng một cẩm nang về phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên mạng là một phần trong nhóm các giải pháp quản lý nhà nước của Bộ về vấn đề này.

Giúp người dùng internet nhận biết, tránh “bẫy tin giả” trên mạng - Ảnh 1

Khi tham gia vào không gian số, việc trang bị một số công cụ, nâng cao sức đề kháng, nhận biết, không phát tán chia sẻ tin giả, không vô tình vi phạm pháp luật là rất quan trọng. Cẩm nang cũng giúp nhận biết trong các hành vi sản xuất, phát tán tin giả, đâu là hành vi cố ý, được tổ chức với dụng ý xấu, trục lợi từ việc đó.

Quan điểm quản lý đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần nhấn mạnh, đó là muốn quản lý được thì phải nhìn thấy được. Nhìn thấy được là phải có các công cụ để đo, rà quét đánh giá bằng công nghệ; phải trao cho cộng đồng bộ công cụ để mọi người đều nhìn thấy và cùng chung tay xử lý, ông Lâm nói.

Tất cả các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị tạo ra và phát tán thông tin trên không gian mạng đều có quyền nhận biết để phân biệt đúng sai. Qua đó dùng quyền lực nhất định trong lĩnh vực của mình để điều chỉnh, hạn chế, ngăn chặn, xóa bỏ các hành vi phát tán tin nhắn.

 
Cẩm nang là công cụ hết sức quan trọng, bởi nó trao cho cộng đồng, người sử dụng mạng Internet, tham gia vào không gian số hàng ngày công cụ để nhận biết, ứng xử phù hợp và góp phần chung tay loại trừ tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.

Đơn cử như nhà quảng cáo có thể không đưa quảng cáo vào các trang, kênh, tài khoản trên mạng xã hội chuyên sản xuất, phát tán tin giả. Qua đó tạo dựng một bộ quy tắc ứng xử bài trừ các hành vi này bằng cách cắt nguồn tài chính “nuôi” tin giả từ nhà quảng cáo.

Các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng cần có nhận biết về vấn đề này, chỉ đưa quảng cáo vào các kênh, tài khoản, địa chỉ đã được xác thực, đăng ký, cấp phép, có thể quản lý được (danh sách các kênh quảng cáo sạch Whitelist).

Hiện nay, người dùng internet tiếp xúc với các thông tin cả thật và giả trên không gian mạng qua thiết bị cầm tay, ở những không gian mà cơ quan quản lý nhà nước không thể có mặt can thiệp. Do đó, việc giúp cộng động nhận biết, hiểu vấn đề này là cách tốt nhất và rất quan trọng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 2 đối tượng “phơi nhiễm” tin giả nhiều nhất là thiếu niên, trẻ em và các người lớn tuổi đang hàng ngày tiếp cận các nguồn thông tin thật và giả lẫn lộn trên không gian mạng.

Để tránh “bẫy tin giả”, cẩm nang khuyến cáo người dùng internet không tin ngay vào mọi thứ trên mạng. Hãy kiểm tra nguồn tin, độ tin cậy của thông tin và suy nghĩ kỹ 2 lần trước khi chia sẻ, đăng tải, bình luận tin tức trên mạng; đồng thời tham khảo ý kiến từ bạn bè hoặc xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền…

Với người quảng cáo, kinh doanh và phát hành dịch vụ quảng cáo, không quảng cáo sai sự thật, kiểm soát để không đặt quản cáo vào nội dung vi phạm; không hợp tác với các trang thông tin điện tử/kênh/tài khoản vi phạm...