Gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp mang tính nhân văn sâu sắc
Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp mang tính nhân văn sâu sắc…
Hiện ngành bảo hiểm Thành phố đã không quản ngày đêm, kể cả ngày nghỉ, khẩn trương rà soát, cập nhật, đối chiếu dữ liệu, lập danh sách người lao động, doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động sớm được thụ hưởng chính sách trên…
Thất nghiệp, thiếu việc làm trong đại dịch đã dẫn tới đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn bởi không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sút. Điều này đòi hỏi phải thực hiện và mở rộng hơn các gói an sinh xã hội nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động cũng như người sử dụng lao động bị tác động của dịch bệnh Covid-19, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện với các chế độ: hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi bị mất việc làm và tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động.
Đại dịch Covid-19 tại TP. HCM đã đẩy rất nhiều người lao động bị mất việc làm, không có việc làm nhưng lại không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hàng loạt Quyết định cũng như Nghị quyết đã được ban hành kịp thời như: Quyết định 28/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Nghị Quyết 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục chi trả cho hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị Quyết số 03/2021/UBTVQH15 sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trong lúc người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập do đại dịch thì gói hỗ trợ trên như chiếc “phao cứu sinh” kịp thời và đúng lúc, giúp người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Ngoài ra, từ chính sách ý nghĩa, nhân văn này, góp phần giữ chân lao động, tránh đứt gãy thị trường lao động và đảm bảo nguồn lực sản xuất cho các doanh nghiệp. Với công tác hỗ trợ nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn của Bảo hiểm TP.HCM, đã nhận được sự đồng thuận cao từ các doanh nghiệp và người lao động.
Tính đến hết ngày 18/8/2022, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã chi gần 266 tỷ đồng cho 95.300 lao động với số tiền hỗ trợ từ 1.800.000 đồng đến 3.300.000 đồng từ gói hỗ trợ bổ sung của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15.
Theo số liệu thống kê số hồ sơ nộp về Cơ quan bảo hiểm xã hội đề nghị nhận tiền hỗ trợ thì có hơn 71.600 lao động đang làm việc tại hơn 1.800 doanh nghiệp và các trường hợp đã nghỉ việc từ năm 2020 nhưng còn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cả nước có hơn 414.000 người thuộc nhóm được hưởng gói bổ sung từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 24, riêng TP. HCM chiếm hơn 23%.
Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho hay sẽ tiếp tục tuyên truyền tính nhân văn của bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và chủ doanh nghiệp. Đồng thời cũng hỗ trợ hết sức trong việc chi trả thuận tiện nhất cho người lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, rà soát lại những trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng, đã nộp hồ sơ đúng thời hạn nhưng do kê khai sai thông tin, không liên lạc được và vì lý do chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Đánh giá về sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nhận định xét đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động.
Trong bối cảnh đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có những Nghị quyết về sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động, người sử dụng laod dộng là một chính sách rất nhân văn, cần thiết và cấp bách. Qua đó nhằm góp phần chia sẻ khó khăn đối với người lao động, giúp ổn định cuộc sống, giảm bớt chi phí cho người sử dụng lao động để duy trì chuỗi cung ứng, sớm khôi phục, duy trì sản xuất.