11:19 03/01/2023

Hà Nội mời gọi doanh nghiệp đấu giá mỏ cát để ngăn cát tặc lộng hành

Song Hoàng

Hà Nội đặt mục tiêu thông qua việc đấu giá nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn Thành phố...

Cát tặc là một trong những vấn đề gây bức xúc tại Hà Nội
Cát tặc là một trong những vấn đề gây bức xúc tại Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5275/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo quyết định, thành phố Hà Nội sẽ đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 đối với 5 điểm mỏ cát (6 mỏ cát) đã có kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng và chất lượng khoáng sản.

Trong đó, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) đợt 1 gồm: Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát), phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm; mỏ Tây Đăng - Minh Châu, thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh, huyện Ba Vì; mỏ Châu Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) gồm: Mỏ Cổ Đô 1, Cổ Đô 2 xã Cổ Đô, xã Phú Cường và mỏ Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì.

Thời gian tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) đợt 1, từ quý I-2023 đến hết quý II-2023. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) gồm: Mỏ Cổ Đô 1, Cổ Đô 2 xã Cổ Đô, xã Phú Cường và mỏ Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì từ quý III-2023 đến hết quý IV-2023. Nếu năm 2023 chưa thực hiện đấu giá hết các khu vực mỏ đã được phê duyệt tại kế hoạch này, thì khu vực mỏ còn lại sẽ được chuyển sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tiếp theo.

Thông qua việc đấu giá nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn Thành phố; phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Thành phố, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt là góp phần hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố hiện nay.

Trước đó, ngày 5/9/2022 chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND (ngày 5/9) về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn TP.Hà Nội.

Trong những năm qua, Hà Nội đang tìm nhiều giải pháp ngăn cát tặc
Trong những năm qua, Hà Nội đang tìm nhiều giải pháp ngăn cát tặc

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản nói chung, cát, sỏi nói riêng trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cơ bản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không còn tình trạng khai thác ngang nhiên, công khai gây bức xúc trong dư luận Nhân dân.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản (cát, sỏi) ở một số địa bàn còn chưa hiệu quả, chặt chẽ, việc khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để.

Tình trạng bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi hoạt động chưa đủ thủ tục hoặc chưa được cấp phép theo quy định, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp... Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu do công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức.

Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, địa phương nghiêm túc các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND TP liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản.

Trong đó, Sở Tài nguyên môi trường được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn TP; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định, tham mưu UBND TP cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản (cát, sỏi) đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đồng thời báo cáo, đề xuất thu hồi giấy phép khai thác, yêu cầu thực hiện dự án cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ đối với các mỏ khai thác khoáng sản (cát, sỏi) không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.

"Kiên quyết không tham mưu UBND TP gia hạn giấy phép và không cấp giấy phép mới đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý", Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nêu rõ.

UBND TP.Hà Nội cũng giao Công an thành phố nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường; các đối tượng lợi dụng việc được cấp phép nạo vét, khơi thông luồng, cảng thủy nội địa để khai thác khoáng sản trái phép.

Tập trung phát hiện, xử lý hình sự các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, hoạt động có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay; các vụ việc vi phạm lớn, nghiêm trọng, tiềm ẩn mất an ninh trật tự; đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh lận cận.

Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý các bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông hoạt động chưa đủ thủ tục hoặc chưa được cấp phép theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp....

Theo các chuyên gia về tài nguyên, cát đang là câu chuyện “nóng” của rất nhiều tỉnh, thành. Sở dĩ vấn đề tài nguyên cát “nóng” trong nhiều năm gần đây bởi cùng lúc đặt ra các vấn đề: cần nguồn cát phục vụ nhu cầu xây dựng tăng vọt của những công trình trọng điểm, nhất là các dự án tuyến đường cao tốc; việc khai thác cát quá mức là tác nhân làm gia tăng sạt lở bờ sông, đặt hàng chục ngàn người dân vào chỗ nguy hiểm. 

Theo Bộ Xây dựng, tài nguyên cát sỏi tự nhiên của Việt Nam có thể cạn kiệt trong hơn 10 năm tới. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra, cát được khai thác trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hệ lụy xói mòn các nhánh sông, xói lở bờ gia tăng (khoảng 500ha/năm) đã làm đồng bằng sông Cửu Long thay đổi hình dạng.

Đây cũng là hiện trạng đang xảy ra ở nhiều vùng đồng bằng có sông lớn. Một số đơn vị được cấp phép khai thác cát chưa tuân thủ quy định theo giấy phép được cấp (thời hạn cấp phép, công suất khai thác, vị trí khai thác); chưa chấp hành đúng quy định dẫn đến sạt lở, biến đổi dòng chảy, mất an toàn giao thông đường thủy… 

Để đảm bảo việc khai thác cát hiệu quả, “bền vững” thì việc đấu giá công khai, minh bạch và quản lý nghiêm khu vực được cấp phép là giải pháp hữu hiệu, cần thiết.