Hà Nội sẽ kiểm tra, rà soát các dự án được giao trước 01/8/2008
Tổ công tác liên ngành của Hà Nội sẽ kiểm tra, rà soát là các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới được giao triển khai thực hiện từ trước ngày 01/8/2008 được chuyển tiếp từ các tỉnh Hà Tây (trước đây), Hoà Bình, Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội sau khi hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính do nhà đầu tư đề xuất tiếp tục thực hiện…
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố. Tổ công tác này gồm: Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư; Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường; Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Giám đốc Sở Tư pháp và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nơi có dự án.
Tổ công tác có trách nhiệm tập hợp đầy đủ hồ sơ của từng dự án; phân loại các dự án có tính chất tương tự theo các nhóm dự án có cùng tính chất, quá trình giải quyết hồ sơ liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư, quản lý đất đai…
Trên cơ sở các nhóm dự án, tổ công tác có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá về các nội dung cụ thể:
Thứ nhất là thời hạn, hiệu lực các văn bản pháp lý liên quan của các dự án;
Thứ hai là nguồn gốc đất, hiện trạng quản lý, sử dụng đất;
Thứ ba là sự tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch kiến trúc của các dự án; thủ tục cần hoàn thiện quy hoạch, kiến trúc theo quy định hiện hành;
Thứ tư là sự tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở, gồm: việc giao chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị mới; thủ tục phê duyệt dự án nhà ở hoặc chấp thuận đầu tư dự án nhà ở, cho phép đầu tư khu đô thị mới theo quy định trước đây; việc thực hiện chuyển tiếp về chủ đầu tư dự án nhà ở hoặc khu đô thị mới và chuyển tiếp triển khai dự án theo quy định hiện hành;
Thứ năm là sự tuân thủ quy định pháp luật về quản lý đất đai khi thực hiện dự án và việc triển khai các thủ tục về đất đai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.
Lãnh đạo Thành phố cũng giao tổ công tác căn cứ vào kết qủa rà soát để nghiên cứu, đánh giá kết luận đối với từng dự án; có đề xuất giải pháp giải quyết đối với từng dự án đầu tư theo thẩm quyền như: giao nhà đầu tư tiếp tục triển khai; các nhà đầu tư tiếp tục triển khai và bổ sung, hoàn thiện thủ tục pháp lý; tiếp tục triển khai nhưng tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành; thu hồi dự án đầu tư…
Đồng thời kiến nghị đối với Thành uỷ, các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan.