22:06 25/11/2020

Hà Nội thanh tra 75 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội hơn 80 tỷ đồng

Tuấn Dũng

Từ ngày 23/11 đến 25/12/2020 Đoàn tranh tra liên ngành của thành phố Hà Nội do Thanh tra thành phố chủ trì đã thành lập 4 tổ công tác, tiến hành thanh tra 75 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội

Tư vấn người dân tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện tại tỉnh Quảng Nam.
Tư vấn người dân tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện tại tỉnh Quảng Nam.

Từ ngày 23/11 đến 25/12/2020 Đoàn tranh tra liên ngành của thành phố Hà Nội do Thanh tra thành phố chủ trì đã thành lập 4 tổ công tác, tiến hành thanh tra 75 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ hơn 80 tỷ đồng.

2.462 LAO ĐỘNG BỊ NỢ BẢO HIỂM

Đợt thanh tra này thực hiện theo Quyết định số 7235/QĐ-UBND ngày 23/12/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra năm 2020 của Thanh tra thành phố Hà Nội và Quy chế phối hợp số 1460 ngày 21/6/2017 giữa các sở, ngành về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.

Thanh tra thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra đánh giá việc thu, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và việc chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế của các đơn vị được thanh tra, xác định rõ số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nguyên nhân và trách nhiệm, giải pháp khắc phục của đơn vị trong việc thực hiện trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đợt thanh tra liên ngành lần này, đoàn thanh tra tiến hành thanh tra đối với 75 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với tổng số 2.462 lao động và tổng số nợ bảo hiểm xã hội là hơn 80 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp được thanh tra đợt này, doanh nghiệp có số tiền nợ lớn nhất là Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC với số nợ hơn 24 tỷ đồng, kéo dài 28 tháng; tiếp đó là Xí nghiệp Xây dựng công trình Cienco nợ 4,3 tỷ đồng, kéo dài 48 tháng; Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà ở và đô thị Hà Nội nợ 2,3 tỷ đồng, kéo dài 20 tháng; Công ty cổ phần Dược phẩm công nghệ cao Abipha nợ 2,4 tỷ đồng, kéo dài 11 tháng; Công ty cổ phần Hassyu Việt Nam nợ hơn 2,6 tỷ đồng, kéo dài 40 tháng…

Trong khoảng thời gian này, những đơn vị có tên trong danh sách thanh tra chủ động hoàn thành trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ được đưa ra khỏi danh sách thanh tra. Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy theo mức độ, Đoàn tranh tra liên ngành của thành phố sẽ đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

QUYẾT LIỆT NHẰM GIẢM TỶ LỆ NỢ BẢO HIỂM

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, thành phố hiện là một trong những địa phương có tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội vào mức cao nhất của cả nước. Bên cạnh các đơn vị chấp hành tốt các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vẫn còn có các đơn vị, doanh nghiệp chưa tích cực, tự giác chấp hành tuân thủ pháp luật, chưa làm tốt trách nhiệm với người lao động, để chây ì nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, vi phạm Điều 216 Bộ Luật Hình sự.

"Các đơn vị sử dụng lao động cần nêu cao trách nhiệm với người lao động, tuân thủ quy định về pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm lo đến lợi ích và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh trường hợp các đơn vị được thanh tra tự giác chấp hành nộp đầy đủ số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì đoàn thanh tra tiếp nhận hồ sơ và báo cáo người ra quyết định Đoàn thanh tra xem xét, giải quyết, có Quyết định dừng thanh tra tại đơn vị", ông Nguyễn Đức Hòa đề nghị.

Từ nay đến cuối năm 2020, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề nghị toàn ngành cần cùng nhau cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn vì quyền lợi của người lao động.

Tại điều 216 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam, đồng thời các doanh nghiệp còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm ngoài việc bị phạt tiền lên đến 3 tỷ đồng.