Hàng tiêu dùng tiếp tục giảm giá sau Tết
Trong tuần đầu tiên đi làm trở lại, giao thông tại các thành phố lớn vẫn còn thông thoáng; nhiều cơ sở kinh doanh, hàng quán đến mùng 9 - 10 âm lịch mới lục đục mở hàng. Dù vậy, sức mua đang ấm trở lại và dự báo sẽ sớm phục hồi...
![Ảnh minh họa.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/10/st.jpg)
Từ ngày mùng 6 Tết, hầu hết kênh bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống trên cả nước đã mở cửa khai trương và hoạt động trở lại theo khung giờ bình thường. Đồng thời, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại các điểm bán lẻ không chỉ dồi dào, mà còn được áp dụng chương trình khuyến mãi để tạo điều kiện mua sắm cho người dân trở về thành phố sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Điển hình, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op nhập 10 tấn gà thả vườn cùng các mặt hàng thịt gia súc, cá quả quay, nướng hoặc quay me; trái cây bao gồm mãng cầu, dừa tươi, đu đủ, xoài cát... Các mặt hàng được Co.opmart, Co.opXtra giữ giá bình ổn theo cam kết ngay từ những ngày đầu kinh doanh dịp Tết, nhiều mã hàng được giảm giá từ 10, 20 đến 30% nhằm tạo không khí mua sắm nhẹ nhàng, an vui đầu năm mới.
Từ nay tới hết ngày 14/2, tại chuỗi siêu thị GO! trên toàn quốc đồng loạt áp dụng chương trình "Lễ hội nhập khẩu", "Tết Nguyên tiêu", "Chợ sớm giảm sung"… với mức giá giảm từ 35% đến 40%. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu mua sắm cho Rằm Tháng Giêng, Central Retail Việt Nam cũng áp dụng nhiều ưu đãi hấp dẫn lên đến 30% đối với các sản phẩm rau, củ, quả, trái cây, đồ ăn chay... và các chương trình giá sốc mỗi ngày, giá sốc cuối tuần cho mặt hàng tươi sống.
![Siêu thị GO! trên toàn quốc giảm giá hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sau Tết.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/10/fb46abf1-fa3b-4d10-a178-e64c0897a6fa.png)
Ghi nhận tại siêu thị GO! Thăng Long (Hà Nội), các mặt hàng thực phẩm phục vụ nhu cầu ngày Rằm tháng Giêng, bao gồm rau củ quả, đậu hũ, trái cây và đồ ăn chay đều chung mức giảm 30%. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá basa, cá thu cắt khúc, tôm thịt, bề bề hấp sơ, thịt xay… cũng chung mức giảm từ 34 – 37%.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý BigC, GO!, Tops Market) cho biết, ngoài việc áp dụng giảm giá đến 37% các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên tiêu, người tiêu dùng mua các mặt hàng tươi sống thiếu yếu sẽ tiếp tục được giảm thêm 10% hóa đơn, áp dụng từ lúc siêu thị mở cửa đến 10h sáng hàng ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Hiện các hệ thống siêu thị MM Mega Market, Satramart, LOTTE Mart, AEON Mall... đều “chạy” chương trình khuyến mãi đầu Xuân cho người tiêu dùng mua sắm trong dịp đầu xuân. Cụ thể, chương trình khuyến mãi “Đón mừng năm mới 2025” của Satramart mang đến cơ hội ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng thành viên khi hóa đơn 400.000 đồng tặng sản phẩm nước rửa chén ON 1kg; 600.000 đồng tặng sản phẩm càphê sữa đá 3IN1 hộp 240gr... Tương tự, từ nay đến ngày 12/2, hệ thống siêu thị WinMart, WinMart+, WiN triển khai chương trình khuyến mại với nhiều ưu đãi lớn lên đến 50%.
Ghi nhận tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội sau Tết, hàng hóa đầy ắp các kệ. Không khí mua sắm ở mức vừa phải, không tăng đột biến như trước và trong Tết. Nếu thời điểm Tết, các sản phẩm thời vụ như bánh, mứt, nước giải khát khá hút hàng thì hiện tại phần lớn người tiêu dùng ưu tiên mua sắm thực phẩm tươi sống. Theo đó, các sản phẩm được khuyến mãi, giảm giá thu hút sự quan tâm của khách hàng hơn cả.
![Hiện các hệ thống siêu thị MM Mega Market, Satramart, LOTTE Mart, AEON Mall... đều “chạy” chương trình khuyến mãi đầu Xuân.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/10/st2.jpg)
Ngày 6/2, Tổng cục Thống kê thông tin cho biết nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch đã tạo nên cú hích lớn và thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025, ước tăng tới 9,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng và tăng 2,7% so với tháng trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng thực tế là 6,6%, điều này cho thấy sức mua của người dân là khá lớn. Về chi tiết, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu là lương thực, thực phẩm tăng 7,8%, thể hiện nhu cầu mua sắm "mạnh tay" của người dân trong dịp Tết.
Trên cả nước, sự tăng trưởng đã lan tỏa trên các địa phương với mức tăng trưởng tích cực trong tháng đầu năm. Điển hình là doanh thu bán lẻ hàng hóa tại các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và Đà Nẵng đều tăng từ 7,9% đến 9,2%. Tương tự, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đã tăng mạnh ở các trung tâm du lịch, như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa và TP.HCM từ mức 14,7% đến 36,6%.
Thông tin trước báo chí, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tháng 1/2025 có 128 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, kết nối với 926 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, có hơn 70 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm đã được tổ chức; 110 điểm bán sản phẩm OCOP và 91 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết. 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội...
![Năm 2025, người tiêu dùng vẫn trong xu hướng tìm kiếm các ưu đãi, giảm giá và sự tiện lợi trong thanh toán. ](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/10/5dce790c-f218-4bcd-af7c-3f41589b17ae.png)
Về nhu cầu tiêu dùng năm 2025, theo khảo sát của NielsenIQ, người tiêu dùng sẽ chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và hàng gia dụng, với mức tăng lần lượt 21,3% và 12,2%. Trong khi đó, chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ giảm 21%. Áp lực kinh tế như lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến 50% người tiêu dùng Việt Nam chỉ đủ khả năng chi tiêu cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market, nhận xét người tiêu dùng vẫn trong xu hướng tìm kiếm các ưu đãi, giảm giá và sự tiện lợi trong thanh toán. Vì vậy, năm 2025, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục dồn ngân sách cho các chương trình giảm giá khuyến mãi trực tiếp trên hàng hóa, giảm chi phí cho các hoạt động marketing, truyền thông. "Tỉ lệ hàng hóa khuyến mãi tăng cao kỷ lục trong giỏ hàng khách mua sắm trong Tết Nguyên đán vừa rồi phản ánh rõ xu hướng và lựa chọn tiêu dùng. Doanh nghiệp buộc phải theo đó để có chiến lược thu hút khách hàng", ông Khôi nói.