15:13 06/10/2010

Hàng trọng yếu nào tăng giá trong tháng 10?

Diệu Hương

Gạo, sữa vẫn ở mức giá cao; thép, xi măng, thực phẩm, thuốc chữa bệnh có thể tăng giá nhẹ

Giá sữa được dự báo còn đứng ở mức cao.
Giá sữa được dự báo còn đứng ở mức cao.
Gạo, sữa vẫn ở mức giá cao; thép, xi măng, thực phẩm, thuốc chữa bệnh có thể tăng giá nhẹ; xu hướng lên giá của đường có thể chững lại… là những dự báo về giá cả những tháng cuối năm, vừa được Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra tại dự thảo báo cáo tháng 9.

Gạo trong nước ảnh hưởng giá xuất khẩu

Theo Tổ điều hành, mức giá tối thiểu 475 USD/tấn đối với gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam được Hiệp hội Lương thực đưa ra gần đây, trên thực tế tiêu thụ chậm và khó đạt.

Tổ chức này tin rằng, trong thời gian cuối năm, nguồn cung gạo chưa bị đe dọa bởi yếu tố thời tiết, tuy nhiên do nhu cầu tiêu thụ sẽ còn cao hơn vào mùa đông và dịp cuối năm, nhất là ở các nước châu Á, nên giá gạo sẽ vững ở mức cao như hiện nay.

Ở trong nước, sau thời gian tăng cao trong tháng 8, mặc dù nguồn cung giảm nhưng giá lúa gạo tháng 9 tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm nhẹ và ổn định do nhu cầu cho xuất khẩu giảm.

Hiện giá lúa gạo trong nước phổ biến ở mức, lúa tẻ thường từ 4,8-5,2 nghìn đồng/kg (miền Bắc) và 4,9-5,2 nghìn đồng/kg (miền Nam); gạo tẻ thường giá 7,5-9 nghìn đồng/kg (miền Bắc) và 7,5-8,5 nghìn đồng/kg (miền Nam).

Theo dự báo của Tổ điều hành, trong các tháng cuối năm, nguồn cung lúa gạo trong nước sẽ được bổ sung từ vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc và vụ thu đông ở phía Nam, góp phần ổn định giá cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, tại các tỉnh phía Nam, giá lúa gạo chịu ảnh hưởng của giá thế giới sẽ vẫn ở mức cao như hiện nay.

Thịt lợn có thể tăng giá mạnh

Cũng theo nguồn tin trên, giá một số loại thực phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ trong tháng 9, thị lợn hơi tăng 1-3 nghìn/kg tại phía Nam và tăng nhẹ tại phía Bắc. Tại Tp.HCM, trong tháng 9 lượng thịt lợn về các chợ đầu mối giảm 12,5% so với tháng 8, giá bán tăng từ 0,5-6 nghìn đồng/kg tùy loại; tại Kiên Giang, giá thịt lợn cũng tăng khoảng 5 nghìn đồng/kg…

Tuy nhiên, giá thịt lợn hiện vẫn còn ở mức thấp. “Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới khả năng tái tạo đàn cũng như việc chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp tiêu thụ cao điểm cuối năm”, Tổ điều hành nhìn nhận.

Lo ngại về dịch bệnh khiến người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế như cá, thịt bò, gà, hải sản… khiến giá các sản phẩm này tăng. Trong tháng 9, giá thịt gà tăng khoảng 5 nghìn đồng/kg; giá các loại thủy sản tăng nhẹ do nhu cầu tăng; các loại rau, củ, quả ổn định, trừ một số mặt hàng phục vụ Tết Trung thu…

Báo cáo cho rằng, trong 3 tháng cuối năm, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ cao hơn, đặc biệt thịt lợn có xu hướng tăng, thậm chí có thể tăng mạnh do nguồn cung hạn chế và chịu ảnh hưởng của việc tăng giá thức ăn chăn nuôi. Trước mắt, trong tháng 10 giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

Giá sữa sẽ còn đứng ở mức cao

Giá mặt hàng sữa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao trong tháng 9. Tại châu Úc, giá sữa bột gầy  hiện ở mức 3-3,35 nghìn USD/tấn, tăng 4,9% so với tháng 8 và tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái;  sữa nguyên kem hiện ở mức 3,15-3,65 nghìn USD/tấn, tăng tương ứng 7,4% và 21%.

Sữa bột gầy tại thị trường Tây Âu hiện ở mức 2,77-3,1 nghìn USD/tấn, tăng 3,4% và 11%; sữa nguyên kem ở mức 3,42-3,77 nghìn USD/tấn, tăng lần lượt 1,7% và 11%.

Ở trong nước, 9 tháng đầu năm đã ghi nhận 5 đợt tăng giá sữa. Gần đây nhất, từ ngày 1/9, một số sản phẩm sữa của hãng Abbort và sữa dành cho bà bầu Annum đã tăng giá khoảng 10%. Các hãng sữa Mead Johnson, Hancofood, Vinamilk cam kết không tăng đến hết năm.

Theo Tổ điều hành, giá sữa dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao.

Đường trắng sẽ đứng giá

Giá đường trắng thế giới tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9 do lo ngại tình hình thời tiết ảnh hưởng đến sản lượng của Braxin. Giá đường từ mức 578,7 USD/tấn ngày 31/8 đã lên mức khoảng 644 USD/tấn ngày 27/9 (tăng 11,3%).

Tuy nhiên, theo Tổ chức Đường quốc tế (ISO), dư cung đường trên thế giới niên vụ 2010/2011 sẽ ở mức khoảng 3 triệu tấn nên dự báo trong dài hạn, giá đường có khả năng giảm dần.

Ở trong nước, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến 15/9/2010 khoảng 84,2 nghìn tấn, cao hơn cùng kỳ khoảng 25,5 nghìn tấn. Giá bán lẻ đường trên thị trường hiện dao động từ 19,5-21 nghìn đồng/kg, ổn định so với tháng trước.

Dự báo trong tháng 9 và tháng 10/2010, các nhà máy sẽ ép được khoảng 600 nghìn tấn mía, đạt khoảng 50 nghìn tấn đường. Cộng với lượng đường tồn kho tại nhà máy và đường nhập khẩu khoảng 230 nghìn tấn, nguồn cung đường có khả năng đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Tổ điều hành cho rằng giá đường trên thị trường có thể sẽ chững lại.

Giá thép quý 4 ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ

Sang tháng 9, giá chào phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới đã giảm từ 10-20 USD/tấn. Giá chào phôi nguồn ASEAN cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện dao động ở mức 580-590 USD/tấn CFR; giá chào thép phế HMS1/2 80:20 từ 405-410 USD/tấn CFR.

Tổ điều hành dự báo, trong quý 4, giá nguyên liệu thép thế giới sẽ chững lại và giảm nhẹ do giá hợp đồng quặng sắt giảm 13% trong quý 4, và kinh tế thế giới phục hồi chậm lại.

Ở trong nước, sản xuất và tiêu thụ thép giảm nhẹ trong tháng 9. Tồn kho thép thành phẩm ước khoảng 230 nghìn tấn, phôi khoảng 500 nghìn tấn.

Giá thép xây dựng sau khi tăng liên tiếp 3 tuần đầu tháng 9 đã giảm trở lại do nhu cầu tiêu thụ chậm và ảnh hưởng giảm giá phôi thép thế giới. Cuối tháng 9, một số doanh nghiệp đã giảm giá bán từ 150-400 nghìn đồng/tấn.

Do tiêu thụ chậm, một số đại lý bán lẻ đã hạ giá thấp hơn giá các nhà máy đưa ra từ 100-200 nghìn đồng/tấn. Giá thép trên thị trường hiện ở mức 14,8-15,4 triệu đông/tấn với miền Bắc, và 15,4-15,6 triệu đồng/tấn ở miền Nam.

Dự báo, sang quý 4, giá thép ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ do tác động của giá nguyên liệu thế giới, báo cáo cho hay.

Xi măng có thể giảm giá

Trong tháng 9, sản xuất và tiêu thụ xi măng chỉ tăng nhẹ so với tháng trước: sản xuất đạt 4,28 triệu tấn, tăng 0,23 triệu tấn so với tháng trước; tiêu thụ khoảng 4,22 triệu tấn, tăng 0,01 triệu tấn so với tháng trước. Tồn kho đến cuối tháng 9 đạt 0,56 triệu tấn xi măng và 1,67 triệu tấn clinke.

Cũng trong tháng 9, giá bán xi măng ổn định và có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Hiện giá bán lẻ xi măng trên thị trường phổ biến ở mức 0,93-1,13 triệu đồng/tấn với miền Bắc và 1,1-1,4 triệu đồng/tấn ở miền Nam.

Theo Tổ điều hành, trong quý 4, nhu cầu xi măng sẽ tăng do vào mùa xây dựng. Dự kiến sản xuất và tiêu thụ xi măng trong quý 4 khoảng 13-14 triệu tấn. Giá bán xi măng tiếp tục ổn định và giảm nhẹ.

Với năm 2011, báo cáo cho biết, nhu cầu xi măng ước khoảng 55-56 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2010. Công suất xi măng toàn ngành sẽ tăng lên khoảng 60 triệu tấn do một số nhà máy tiếp tục đi vào hoạt động. Giá xi măng sẽ tiếp tục ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.

Xăng dầu “nhìn” giá thế giới

Giá dầu thô tháng 9 trên thị trường thế giới có xu hướng giảm so với tháng 8 trước những dữ liệu không tích cực từ các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Canada… Giá dầu thô ngọt nhẹ hiện đã giảm 2,5% so với tháng 8 và giảm 4,5% so với hồi đầu năm, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ 8,45%.

Theo Tổ điều hành, dự báo giá dầu thế giới có thể tăng nhẹ trong tháng 10 do nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ có khả năng nhích lên.

Ở trong nước, giá bán các mặt hàng xăng, dầu vẫn giữ nguyên sau đợt điều chỉnh vào tháng 8, hiện ở mức xăng A92 có giá 16,4 nghìn đồng/lít; dầu diesel 0,25S giá 14,7 nghìn đồng/lít; diesel 0,05S giá 14,75 nghìn đồng/lít; dầu mazút 12,69 nghìn đồng/kg và dầu hỏa 15,1 nghìn đồng/lít.

Tổ điều hành cho rằng, giá xăng dầu trong nước 3 tháng cuối năm tiếp tục điều chỉnh theo giá thế giới.

Khí hóa lỏng có thể tăng giá nhẹ

Tháng 9, giá LPG trên thị trường thế giới tăng mạnh do các nước châu Âu đẩy mạnh mua vào, giá nhập khẩu bình quân tăng 72,5 USD/tấn so với tháng 8.

Tác động đến trong nước, giá gas đã được một số doanh nghiệp điều chỉnh từ ngày 1/9 với mức tăng 14-15 nghìn đồng/bình 12kg. Giá bán gas lẻ đến tay người tiêu dùng hiện ở mức 260-280 nghìn đồng/bình 12kg, giảm khoảng 14% so với mức giá cao nhất hồi tháng 3 và tháng 4.

Giá LPG thế giới trong 3 tháng cuối năm có thể tăng do nhu cầu tiêu thụ cao hơn trong mùa đông. Trước mắt, giá bán gas trong tháng 10 sẽ tiếp tục tăng nhẹ theo diễn biến giá thế giới, báo cáo đánh giá.

Thuốc nhập khẩu phụ thuộc vào tỷ giá

Trong tháng 9, thị trường dược phẩm nhìn chung ổn định với một số mặt hàng tăng và giảm nhẹ đan xen. Khu vực khám chữa bệnh công lập giá thuốc khá ổn định, trong khi khu vực thị trường tự do sức mua chậm, giá chỉ biến động nhẹ.

Khảo sát trên 7.390 mặt hàng của 65 cơ sở sản xuất dược cho thấy, với thuốc nội, khu vực Hà Nội có 0,26% lượt mặt hàng tăng giá với mức tăng trung bình 5,1%; có 0,12% lượt mặt hàng giảm giá với mức giảm bình quân 4,1%. Tp.HCM số mặt hàng thay đổi giá bán chiếm khoảng 5%.

Với thuốc nhập khẩu, có đến 60% tổng số mặt hàng nhập khẩu giảm giá nhưng qua khảo sát giá tại một số khu vực, số mặt hàng tăng/giảm giá chỉ chiếm từ 0,1-0,16%, mức tăng/giảm không lớn, chỉ 5-6%.

Với nguyên liệu nhập khẩu, có tới 30% số mặt hàng biến động về giá (riêng thị trường Trung Quốc điều chỉnh nhiều nhất với 10/19 mặt hàng thay đổi giá). Nhìn chung, giá nguyên liệu thuốc tương đối ổn định, một số giảm nhẹ.

Tổ điều hành cho rằng, giá thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu có thể sẽ biến động nhẹ do phụ thuộc vào giá nguyên liệu nhập khẩu, sự thay đổi tỷ giá giữa đồng nội tệ các các ngoại tệ khác.