08:00 21/10/2023

Hiện thực hóa đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cần đồng thuận gỡ vướng

Thanh Xuân

Để kế hoạch 1 triệu căn nhà ở xã hội “về đích” như kỳ vọng, việc quan trọng là cần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy hoạch, quỹ đất và nguồn vốn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm “Hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, các đại biểu đã thông tin về tốc độ xây dựng nhà ở xã hội trên cả nước, đặc biệt là ở địa phương tập trung đông người và công nhân lao động, đồng thời cũng nhận diện một số rào cản lớn trong quá trình thực hiện.

ĐỊA PHƯƠNG TÍCH CỰC VÀO CUỘC

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh chia sẻ: Tỉnh Bắc Ninh đang có 53 dự án với quy mô 170ha. Các dự án khi hoàn thiện sẽ đáp ứng 5 triệu m2 sàn và khoảng 73.000 căn hộ cho người thu nhập thấp và người lao động. Hiện 22 dự án đã có công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng với 20.000 căn hộ. Ngoài ra, để hướng tới phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng rà soát quỹ đất thì đến thời điểm này, theo chỉ tiêu của đề án giao cho Bắc Ninh gồm 70.000 căn, Sở Xây dựng Hải Phòng chuẩn bị được quỹ đất 95 ha đảm bảo thực hiện đủ mục tiêu đến năm 2030.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 323, Hải Phòng có 30 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp và 8 khu vực phát triển công nghiệp. Do vậy, nhu cầu nhà ở công nhân trên địa bàn rất lớn. Mặt khác, theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, thành phố được giao hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 (giai đoạn 2022 – 2025: 15.400 căn; giai đoạn 2026 – 2030: 18.100 căn).

Từ tình hình trên, thành phố xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nhiệm vụ trọng tâm và đưa vào chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của thành phố. Cụ thể, giai đoạn 2022 – 2023, thành phố đưa khoảng 1.080 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào sử dụng; đã chấp thuận, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 12 dự án nhà ở xã hội với quy mô trên 20.000 căn. Trong đó, đã khởi công 6 dự án nhà ở xã hội với tổng số trên 10.000 căn và đang tiếp tục xem xét để chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn thành phố, làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.

Với quyết tâm hoàn thành vượt chỉ tiêu 33.500 căn nhà ở xã hội trước năm 2030, sớm hơn kế hoạch Thủ tướng giao cho thành phố, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố cũng ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.Hải Phòng đến năm 2030, với mục tiêu: giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng 15.400 căn hộ, đặc biệt phấn đấu 80% là sản phẩm hoàn thành và sản phẩm đưa ra thị trường, còn giai đoạn 2026 – 2030, xây dựng đạt và vượt chỉ tiêu 18.100 căn hộ.

Mặc dù đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, các đại diện tham dự tọa đàm đánh giá qua quá trình triển khai thực tế vẫn tồn tại một số khó khăn, như: thủ tục mua nhà rườm rà; thủ tục đầu tư cũng vướng mắc; quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở một số địa phương chưa được quan tâm; vướng mắc liên quan đến kết nối hạ tầng ngoài hàng rào đối với khu nhà ở xã hội, việc kêu gọi vốn; thuế thu nhập; công tác thẩm định về giá bán…

CẦN CHÍNH SÁCH, CƠ CHẾ LINH HOẠT

Theo ông Hwoan Shen Wan, Giám đốc Công ty Phát triển nhà Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng và theo đuổi nguyện vọng đạt 1 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để hiện thực mục tiêu này, Chính phủ lẫn người dân phải đồng thuận để xây dựng chính sách và giải quyết những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc nhằm giảm thiểu thiếu sót.

Trong khi đó, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nêu ý kiến: Để đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội “về đích” như kỳ vọng, việc quan trọng là cần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thủ tục, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch… “Những yếu tố trên đang gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ và khiến cho quá trình đầu tư bị chậm. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương nên lưu ý có chính sách, cơ chế linh hoạt, nhằm kịp thời giải quyết các bất cập hiện nay, qua đó thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội nhanh hơn”, vị đại diện nhấn mạnh.

Góp ý thêm, Nguyễn Tuấn Dũng đề nghị xem xét đến điều kiện thu nhập của công nhân. Ngoài ra liên quan đến chỉ tiêu, thẩm định, giá…, đặc biệt cần lưu ý vấn đề giá, trong đó có thể có hình thức giao cho địa phương, trên cơ sở quy định về xác định giá và cơ sở thị trường, trình UBND tỉnh ban hành giá khung tương tự với nhà ở xã hội của hộ gia đình đang thực hiện hiện nay. Nếu giá được điều chỉnh hàng năm cũng là cách thúc đẩy doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Mặt khác, với loại hình nhà ở lưu trú phải thực sự quan tâm, bởi đây chính là loại hình mà đối tượng công nhân có nhu cầu nhiều nhất. Do đó, Bộ Xây dựng quan tâm nghiên cứu, tham mưu để hình thành một hệ thống về quy chuẩn, tiêu chuẩn từ khâu lựa chọn nhà đầu tư, đến quy hoạch, quản lý phát triển và sử dụng nhà ở xã hội, nhằm giúp hoàn thành mục tiêu của đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ, cho rằng với mục tiêu đến 2025 xây dựng  được 15.000 căn hộ, trong đó 80% căn hộ hoàn thành, Hải Phòng sẽ tập trung lựa chọn và bố trí đất đai trên toàn thành phố, ưu tiên khai thác tối đa những khu đất sử dụng kém hiệu quả, nhà kém chất lượng trong đô thị để xây dựng nhà ở xã hội. Rút ngắn thời gian hành chính, bàn giao đất cho nhà đầu tư; nghiên cứu chính sách tài chính để đề xuất với thành phố để có chính sách tài chính linh hoạt cho người dân và chủ đầu tư; ngăn chặn việc trục lợi chính sách, xoá bỏ tư duy nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là phân khúc thấp, chỉ dành cho người cho yếu thế.