09:32 14/10/2023

Khó xác định đúng đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội

Thanh Xuân

Đối tượng của nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện về thuế thu nhập cá nhân, cư trú, nhà ở... Tuy nhiên, chỉ riêng tiêu chí nhà ở mà nhiều trường hợp đã rất khó xác định được có nhà hay không, vì có thể không có nhà ở quận này song lại có nhà ở quận khác; hoặc không có nhà ở thành phố thì có nhà ở quê. Nên xác định đúng đối tượng đủ điều kiện mua cực khó…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội, một lần nữa vấn đề xây nhà ở giá rẻ, nhà cho người thu nhập trung bình và thấp lại đặt ra. Nhưng thực tế cho thấy vẫn còn khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai thực hiện nhà ở xã hội, trong đó có khâu xét duyệt đối tượng hưởng chính sách về loại hình nhà ở này.

BẤT CẬP TRONG TRIỂN KHAI

UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, từ năm 2011 đến nay, Bắc Giang có 14 dự án nhà ở xã hội đã có chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng, bao gồm: 11 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với khoảng 27.792 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho 89.444 người; trong đó 1 dự án đã hoàn thành và 10 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Ngoài ra còn 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với 1.861 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho 4.759 người; trong đó 2 dự án đã hoàn thành, 1 dự án đang triển khai lựa chọn nhà đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên qua quá trình làm việc, với Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Nghị định số 49/2021 quy định: “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở; đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương…”, rất bất cập trong triển khai tại các địa phương.

Tỉnh thấy, tiêu chí không có nhà ở, đất ở không rõ thực hiện ở nơi có dự án, địa bàn huyện là nơi đối tượng thường trú, tạm trú hay trên toàn tỉnh, cả nước; dẫn tới cách triển khai của các địa phương khác nhau, không thống nhất.

Bên cạnh đó, việc rà soát đối tượng xem có nhà ở, đất ở hay chưa còn vướng mắc như: sổ đỏ thường cấp cho hộ gia đình, trong đó có bố mẹ và đối tượng đăng ký mua nhà (hiện nay, nếu không có nhà ở thì không thể tách hộ theo Luật Cư trú). Vậy bố mẹ có sổ đỏ đất ở, nhà ở của hộ gia đình, thế đối tượng đó có được coi là chưa có đất ở, nhà ở hay không? Mặt khác, dữ liệu đất đai của các địa phương chưa hoàn thiện nên thời gian kiểm tra, xác minh nhà ở, đất ở không đảm bảo quy định, đối tượng đăng ký mua có dữ liệu liên quan đến thuế ngoài tỉnh sẽ khó khăn khi kiểm tra, xác minh…

Theo UBND tỉnh, nhiều đối tượng trên địa bàn mặc dù đã có nhà, đất ở quê nhưng đi làm tại khu công nghiệp xa xôi muốn thuê, hoặc mua nhà nhằm ổn định lao động lại không được mua, thuê mua.

Tương tự, thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tình trạng này cũng xuất hiện khá phổ biến ở TP.HCM và thành phố đang gặp khó khăn liên quan đến đối tượng thụ hưởng. Đối tượng của nhà ở xã hội mà mẫu đưa ra có điều kiện về thuế thu nhập cá nhân; nhà ở... Tuy nhiên, nhiều trường hợp thực sự khó xác định được có nhà hay không, vì có thể không có nhà ở quận này nhưng lại có nhà ở quận khác; hoặc không có nhà ở TP. HCM song có nhà ở quê. Nên xác định đúng đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội cực khó, mà nếu không xác định chuẩn đối tượng thì khi thanh tra, kiểm tra dễ nảy sinh sai phạm khiến câu chuyện càng phức tạp.

CẦN HƯỚNG DẪN CỤ THỂ HƠN

UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị, mặc dù giải pháp cho một số tồn tại lớn về đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, ưu đãi nhà đầu tư, thẩm định giá bán/thuê/thuê mua nhà ở xã hội… đã được Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ, thông qua sửa đổi Luật Nhà ở. Song tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn nữa trong xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như với tiêu chí nhà ở, để địa phương triển khai thực hiện một cách đồng nhất, tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.

Liên quan vấn đề này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thông tin: Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhiệm vụ hoàn thiện Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, trong đó về đối tượng, theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi hiện nay, ngoài đối tượng đang được thụ hưởng tại Luật Nhà ở 2014, bổ sung thêm “doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại”.

Ngoài ra còn có xu hướng cắt giảm điều kiện của nhóm thụ hưởng. Ví dụ trong Luật Nhà ở 2014, nhóm đối tượng phải đảm bảo 3 điều kiện: Một là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;

Hai là phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật trên;

Ba là đối với đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014 thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 8, 9 và 10 Điều 49 thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở sửa đổi tiến tới cắt giảm đối với trường hợp thuê chỉ cần có điều kiện là đúng một trong những nhóm đối tượng này; đối với trường hợp mua, hoặc thuê mua sẽ giảm bớt điều kiện cư trú. Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ xem xét, nghiên cứu để tham mưu xây dựng các quy định cho phù hợp thực tế.