14:59 11/08/2017

Hơn 100 tiểu thương chợ Đồng Đăng kéo về trụ sở Bộ Công Thương

Bạch Dương

Các tiểu thương đề nghị giữ lại chợ truyền thống Đồng Đăng (Lạng Sơn) - nơi hơn 500 hộ đang kinh doanh buôn bán

Tiểu thương chợ Đồng Đăng kéo về trụ sở Bộ Công Thương sáng 11/8.
Tiểu thương chợ Đồng Đăng kéo về trụ sở Bộ Công Thương sáng 11/8.

Sáng 11/8, 110 hộ kinh doanh đã mặc đồng phục "Chợ truyền thống Đồng Đăng - Tỉnh Lạng Sơn" kéo đến trụ sở Bộ Công Thương tại 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo ý kiến của bà con tiểu thương, chợ truyền thống Đồng Đăng hiện có 244 hộ kinh doanh cố định, hơn 300 hộ kinh doanh không có hợp đồng. Đây là chợ có lịch sử lâu đờ, phục vụ cho nhu cầu dân sinh trong khu vực và một phần khách du lịch đến tham quan Đền Mẫu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây chính quyền địa phương có kế hoạch phá bỏ chợ, người dân cho rằng việc phá bỏ chợ là điều không hợp lý và các tiểu thương muốn giữ lại chợ Đồng Đăng.

Theo dự định, chợ Đồng Đăng sẽ được chuyển đổi thành công viên cây xanh, còn người dân buôn bán trong chợ sẽ được chuyển ra Trung tâm thương mại mới được xây mang tên Trung tâm thương mại Việt - Trung (sau đó được đổi tên thành Trung tâm thương mại Đồng Đăng).

"Chủ đầu tư đã ép người dân di dời chợ nhưng người dân không đồng thuận", đại diện nhóm tiểu thương nhấn mạnh.

Chính vì vậy, hơn 2 tháng nay, hàng trăm hộ kinh doanh tại chợ Đồng Đăng đã đóng quầy, không buôn bán để đi đến các cơ quan chức năng yêu cầu giữ lại chợ truyền thống. Hiện, chợ truyền thống cũ chưa bị phá bỏ.

Mặc dù vấn đề của các tiểu thương không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Công Thương, nhưng Chánh Văn phòng Bộ Trần Hữu Linh, Phó chánh thanh tra Bộ Lê Thị Phương Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga vẫn lắng nghe, trao đổi, giải thích với bà con tiểu thương về sự việc.

Đại diện các đơn vị Bộ Công Thương khẳng định, các ý kiến bức xúc của bà con trong Phòng tiếp dân của Bộ Công Thương sáng nay sẽ được ghi nhận và truyển tải chính xác đến lãnh đạo Bộ.

Theo Quyết định số 1695 Bộ Công Thương gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đối với công tác đầu tư xây dựng chợ, phải tăng cường thông tin, đối thoại với người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh trực tiếp tại chợ, trong quá trình xem xét, đánh giá và quyêt định chủ trương đầu tư xây dựng và chuyển đổi mô hình, chuyển đổi vị trí hoạt động của các chợ trên địa bàn.

Tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và bằng các hình thức khác ngay trong giai đoạn đầu xem xét chủ trương đầu tư dự án để nắm bắt, tiếp thu ý kiến của người dân; làm rõ chủ trương, phương án bố trí sắp xếp địa điểm kinh doanh cho các hộ kinh doanh tại chợ cũ sau khi dự án được hoàn thành; làm rõ các vấn đề liên quan tới quyền lợi và trách nhiệm của các hộ kinh doanh tại chợ sau khi dự án được hoàn thành.


Trên cơ sở trao đổi, lãm rõ và thống nhất, tạo sự đồng thuận với người dân và các hộ kinh doanh tại chợ để xem xét, quyết định chủ trương và cho phép tiến hành triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng.


Trước đó, trả lời báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Phạm Ngọc Thưởng khẳng định việc đầu tư xây dựng khuôn viên cây xanh tại vị trí chợ Đồng Đăng hiện tại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch chung nhằm xây dựng thị trấn Đồng Đăng thành thị xã.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình thu hồi đất để thực hiện đầu tư xây dựng hạng mục công trình này, tỉnh luôn quan tâm đến việc chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hộ tiểu thương.

Hơn 100 tiểu thương chợ Đồng Đăng kéo về trụ sở Bộ Công Thương 1
Người dân tụ tập trước cổng Bộ Công Thương ở đường Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Hơn 100 tiểu thương chợ Đồng Đăng kéo về trụ sở Bộ Công Thương 2
Hình ảnh các tiểu thương chợ Đồng Đăng tại trụ sở Bộ Công Thương.