Hơn 8.500 tỷ khai phá lợi thế vận tải thủy vùng đồng bằng sông Cửu Long
Để phát huy thế mạnh vận tải đường thuỷ nội địa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải sẽ ưu tiên triển khai 3 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 8.540 tỷ đồng...
Trả lời kiến nghị của tỉnh Cần Thơ về việc sớm xây dựng giai đoạn 2 của dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, kênh Quan Chánh Bố, nhằm tạo thuận lợi cho việc phát tiển hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm quốc gia sẽ được ưu tiên triển khai.
Cập nhật tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian thực hiện từ năm 2021-2023, trong đó, Bộ bố trí 937 tỷ đồng năm 2022 để thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bộ Giao thông vận tải cũng phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục đường ven kênh Tắt và chỉ đạo Ban Quản lý dự án Hàng hải tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu này theo quy định, dự kiến khởi công trong tháng 12/2022.
Được biết, giai đoạn 2 sẽ thi công các hạng mục gồm công trình bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố, với tổng chiều dài trên 18 km và xây dựng 1 tuyến đường bộ dọc theo bờ Nam kênh Tắt, chiều dài gần 5km, kinh phí khoảng 2.596 tỷ.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang tập trung chỉ đạo Ban Quản lý dự án Hàng hải khẩn trương hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật toàn bộ giai đoạn 2 của dự án để phê duyệt.
Được biết, giai đoạn 1 dự án hoàn thành, được khai thác từ tháng 4/2017, đến nay tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tuy nhiên, “do chưa thực hiện giai đoạn 2 nên một số vị trí xung yếu hai bên bờ kênh Quan Chánh Bố chưa được kè bảo vệ dẫn đến sạt lở và bồi lắng, gây ảnh hưởng đến quá trình khai thác liên tục của luồng tàu. Giải quyết được vấn đề này sẽ thu hút được các tàu có trọng tải đến 20.000 tấn giảm tải lưu thông thường xuyên trên tuyến luồng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua hàng năm”, Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ.
Khi chưa triển khai dự án giai đoạn 2, năm 2020-2021 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam bố trí 597 tỷ đồng để nạo vét các khu vực khan can do bồi lắng và sạt lở bờ, hoàn thành vào tháng 9/2021.
Đầu tháng 11/2021, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho phép tàu FORTUNE trọng tải đến 13.479 tấn giảm tải thông qua tuyến luồng vào cảng VIMC Hậu Giang làm hàng an toàn.
Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, hiện nay, Bộ đang chỉ đạo Ban Quản lý các dự án Đường thủy khẩn trương thực hiện 2 dự án.
Một là, nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia giai đoạn 1 khu vực phía Nam được Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến bố trí vốn giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.944 tỷ đồng.
Hai là, dự án Phát triển các hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án vào tháng 6/2021; tháng 10/2021, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Từ tháng 10/2024 đến tháng 6/2026 thi công và hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đạt được mục tiêu các quy hoạch đặt ra.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá, các dự án nêu trên được thực hiện sẽ nâng cao hơn nữa khả năng kết nối đường bộ, đặc biệt là phát huy thế mạnh vận tải đường thuỷ nội địa của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao thị phần vận tải hàng hóa và năng lực vận tải thủy, tăng cường khả năng kết nối nội vùng, giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến khu bến Cái Mép - Thị Vải và các bến cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và liên vùng.