08:36 09/09/2010

Khai thác thông tin xuất khẩu trực tuyến: Dễ hay khó?

Y Nhung

Khai thác thông tin xuất khẩu trực tuyến không chỉ nhanh chóng hiệu quả mà chi phí lại thấp hơn so với các hình thức khác

Doanh nghiệp có thể khai thác thông tin xuất khẩu từ website www.ttnn.com.vn
Doanh nghiệp có thể khai thác thông tin xuất khẩu từ website www.ttnn.com.vn
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều cho rằng rất khó tìm kiếm đối tác trên internet thì không ít ý kiến lại cho rằng công việc này không hề khó.

Tại hội thảo “Kỹ năng khai thác thông tin xuất khẩu trực tuyến” được tổ chức sáng 8/9, tại Hà Nội, bà Phạm Thị Hà Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Phát, đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu rất “khát” thông tin về các thị trường. Song việc khai thác thông tin trên internet hiện nay hầu như chưa mang lại hiệu quả.

Ngay cả khi truy cập vào trang thông tin của các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, thông tin cũng không có nhiều lại không được cập nhật thường xuyên nên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Do vậy, “số đơn hàng Nam Phát ký được thông qua khai thác trực tuyến chỉ chiếm 0,01%”, bà Hà Anh nói. Công ty này đành phải lựa chọn phương án xuất qua các nhà nhập khẩu trung gian.

Ông Ngô Văn Thịu, chuyên viên phòng thị trường kinh doanh Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận, hợp đồng mà công ty khai thác được qua mạng hiện vẫn rất khiêm tốn, nguyên nhân chủ yếu là thông tin này rất khó thẩm định về tính chính xác.

Đại diện cho Công ty Cổ phần Quang và Mỹ nghệ xuất khẩu, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, cán bộ kinh doanh so sánh, so với kinh phí tham gia các hội chợ, hay các chương trình xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường thì tìm kiếm đối tác qua internet ít tốn kém, nhưng khả năng thành công lại rất thấp.

Trước các bức xúc của các doanh nghiệp, ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương) cho rằng, ngoài cổng thông tin www.ttnn.com.vn, với dữ liệu rất đầy đủ về tình hình kinh tế ở 191 nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các nước trong WTO…, hiện nước ta còn có hơn 60 thương vụ ở nước ngoài. Thông tin do các cơ quan này cung cấp khá đều đặn. Do đó, không thể nói là doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin, vấn đề chính là các công ty vẫn chưa đầu tư đúng mức cho công tác khai thác thông tin trực tuyến.

TS. Nguyễn Văn Thoan, Trưởng bộ môn Thương mại điện tử, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Kinh tế Đại học Ngoại thương còn chỉ ra hàng loạt các website mà doanh nghiệp xuất khẩu có thể vào đó để tìm kiếm đối tác ở tất cả các thị trường trên thế giới. Tại nhiều trang, còn có cả nơi để các doanh nghiệp để lại số điện thoại, đối tác có thể liên hệ lại ngay sau khi họ vừa đăng ký.

Do đó, lời khuyên chung của các diễn giả là ngoài chủ động tìm kiếm thông tin về đối tác, bản thân doanh nghiệp cũng nên chú trọng đến việc xây dựng website của công ty, liên tục cập nhật các thông tin mới nhất để đối tác khi có nhu cầu có thể trực tiếp liên hệ. Tiếp đến, khi nhận được E-mail phải trả lời ngay, thậm chí khi đã có đơn hàng cũng không nên bỏ qua các khách hàng tiềm năng.

Đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) còn cho biết thêm, mới đây Trung tâm thông tin thương mại châu Âu (ETIC) đã ra mắt tại Tp.HCM. Cùng với cổng thông tin www.eticvietnam.org, trung tâm sẽ cung cấp thông tin về thị trường châu Âu cho các doanh nghiệp muốn đưa hàng hoá vào khu vực này.