07:39 17/05/2022

Khẩn trương gỡ "thế kẹt" cho dự án BOT cầu Bình Lợi hơn 1.300 tỷ đồng

Anh Tú

Để giải quyết "thế kẹt" của dự án BOT cầu Bình Lợi với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ban Quản lý dự án 7 gấp rút đề xuất kiến nghị cụ thể phương án xử lý, đánh giá về khả năng thu phí dự án trong tháng 5...

Cầu đường sắt Bình Lợi mới đưa vào khai thác năm 2019.
Cầu đường sắt Bình Lợi mới đưa vào khai thác năm 2019.

Bộ Giao thông vận tải vừa có thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp tình hình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc theo hình thức BOT.

BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN 7 THIẾU SÁT SAO, HÀNG LOẠT VƯỚNG MẮC NẢY SINH

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc là dự án kết hợp giữa hai lĩnh vực cải tạo cầu đường sắt và cải tạo luồng sông đường thủy nội địa, tổ chức thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT còn rất mới.

Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, dẫn đến chưa đạt được mục tiêu theo dự kiến. Đặc biệt, hạng mục cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc chưa triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ rõ công tác theo dõi quản lý dự án của Ban Quản lý dự án 7, đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa sát sao, chưa tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành toàn bộ dự án.

Đồng thời, chưa kịp thời báo cáo Bộ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất xử lý trách nhiệm của các bên liên quan.

Bên cạnh đó, các đơn vị tham mưu của Bộ chưa theo dõi sát sao và kịp thời đôn đốc, dẫn đến dự án còn một số tồn tại như chưa hoàn thành toàn bộ dự án như mục tiêu ban đầu.

Đó là chưa thực hiện hạng mục cải tạo luồng sông Sài Gòn; phần cầu đường sắt còn một số hạng mục chưa hoàn thành (Hệ thống điện chiếu sáng, 300 m đường gom đầu cầu phía Nơ Trang Long, công tác thanh quyết toán và xử lý vật tư thu hồi).

Ngoài ra, công tác thu xếp vốn của nhà đầu tư gặp khó khăn, chưa giải ngân được vốn vay thương mại. Nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, chưa kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý.

 

“Trong trường hợp không tiếp tục đầu tư, Ban Quản lý dự án 7 phải làm rõ cơ sở pháp lý và đề xuất kiến nghị cụ thể phương án xử lý; đánh giá về khả năng thu phí và phương án thu phí; căn cứ các điều khoản Hợp đồng để tham mưu xử lý theo quy định. Báo cáo gửi về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 25/5/2022”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và kết thúc dự án, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý dự án thiếu sát sao trong thời gian dài từ tháng 3/2020 đến nay, chưa đề xuất giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc, cũng như xử lý nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định của hợp đồng.

Do đó, Ban Quản lý dự án 7 phải khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý dự án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo ban, phòng quản lý, điều hành dự án trước ngày 10/5/2022.

Đồng thời, tiến hành lập báo cáo giám sát đầu tư và có kiến nghị cụ thể về phương án thực hiện tiếp theo đối với dự án; phương án thu xếp nguồn vốn để hoàn trả cho tỉnh Bình Dương; đánh giá các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến việc không hoàn thành dự án theo mục tiêu ban đầu; đánh giá lại hiệu quả đầu tư của dự án.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng giao Vụ PPP nghiên cứu các đề xuất của nhà đầu tư và Ban Quản lý dự án 7, để báo cáo cấp thẩm quyền xử lý chung đối với các dự án BOT.

PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH ĐỔ VỠ, XIN NHÀ NƯỚC MUA LẠI DỰ ÁN

Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi được khởi động từ năm 2016 với nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh (GUD) và Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng STD Việt Nam (Liên danh GUD- STD).

Các nhà đầu tư này sau đó lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi để triển khai dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư là 1.302 tỷ đồng, chi phí xây dựng 838 tỷ đồng, bao gồm việc thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5 m lên 7 m và cải tạo, bảo trì luồng sông Sài Gòn có độ dài khoảng 71 km.

Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan tải trọng trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP.HCM, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép tiến hành thu phí các phương tiện trên 300 tấn lưu thông trên sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc về để hoàn vốn cho dự án trong thời gian 20 năm 9 tháng tính từ năm 2018. 

Tuy nhiên, hiện dự án BOT đường thủy đầu tiên trong nước - cầu Bình Lợi đang đối diện tình trạng phương án thu phí hoàn vốn không khả thi, phương án tài chính phá sản, nhà đầu tư không có nguồn trả nợ.

Về nguồn vốn đầu tư, sau hơn 3 năm chật vật thi công, đến giữa tháng 9/2019, doanh nghiệp dự án và Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi hoàn thành và đưa vào khai thác cầu đường sắt Bình Lợi.

Riêng hạng mục nạo vét luồng sông Sài Gòn, doanh nghiệp dự án mới chỉ hoàn thành công tác thiết kế, chưa triển khai thi công vì không có vốn.

Tính đến cuối tháng 4/2022, dự án mới giải ngân được 441 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 158 tỷ đồng; giải ngân từ nguồn hoàn thuế VAT là 33,98 tỷ đồng; vốn vay từ UBND tỉnh Bình Dương là 248,48 tỷ đồng.

Đặc biệt, hiện Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi vẫn còn nợ các nhà thầu gần 150 tỷ đồng và đang bắt đầu bị tính lãi trả chậm.

Về phương án tài chính, việc hoàn vốn cho nhà đầu tư sẽ áp dụng thu phí phương tiện đường thuỷ tải trọng hơn 300 tấn tại ba cảng An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc. Tuy nhiên, hiện cảng Bến Súc, Rạch Bắp chưa được đầu tư, trong khi cảng An Sơn mới xây dựng một phần.

Tỉnh Bình Dương cũng điều chỉnh quy hoạch, bỏ cảng Bến Súc mà thay bằng cảng ở vị trí khác.

Do vậy, dự án khi hoàn thành sẽ không có cảng để thu phí như phương án trước đó.

Trước hàng loạt khó khăn trên, Ban quản lý dự án 7 đề nghị, Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị Thủ tướng chuyển đổi hình thức đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thanh toán vốn chủ sở hữu và lợi nhuận; trả nợ vốn vay tỉnh Bình Dương.

Đồng thời, chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương tiếp nhận vật tư thu hồi từ tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi cũ; có văn bản gửi UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận 2 nhịp của cầu đường sắt Bình Lợi cũ…

Ngoài ra, trong văn bản số 59/2022/BOTBL gửi cuối tháng 4/2022, doanh nghiệp dự án xin chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dùng vốn ngân sách nhà nước mua lại toàn bộ dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc - cầu Bình Lợi.

Theo tính toán của Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, tổng giá trị đã đầu tư mà doanh nghiệp dự án muốn Nhà nước hoàn trả hơn 600 tỷ đồng.

Đây là khoản chi phí tối thiểu mà Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi muốn nhận lại để có tiền trả nợ cho UBND tỉnh Bình Dương gần 250 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 160 tỷ đồng, trả lãi vay vốn chủ sở hữu gần 55 tỷ đồng) và thanh toán nợ khối lượng cho các nhà thầu gần 150 tỷ đồng.