11:01 06/09/2022

Khẩn trương gỡ vướng, sử dụng vốn vay từ ADB cho cao tốc Bến Lức - Long Thành

Anh Tú

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, phấn đấu hoàn thành các đoạn tuyến sử dụng vốn vay ADB trong quý 3/2023...

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dừng thi công từ giữa năm 2019. Sản lượng thi công đến nay đạt gần 79%.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dừng thi công từ giữa năm 2019. Sản lượng thi công đến nay đạt gần 79%.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về khó khăn, vướng mắc tại dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Thông báo nêu rõ từ năm 2019, các gói thầu đoạn tuyến phía Tây và các gói thầu sử dụng vốn vay Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tạm dừng thi công do không được giao vốn vay JICA và thiếu vốn đối ứng.

Hiệp định vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho các đoạn tuyến phía Tây cũng hết hạn dẫn đến các gói thầu đoạn tuyến phía Tây và các gói thầu sử dụng vốn vay JICA tạm dừng thi công.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính, sản lượng thi công đến nay đạt gần 79%.

Về nguồn vốn đối ứng, giai đoạn 2011 - 2018, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được bố trí hơn 3.882 tỷ đồng vốn đối ứng từ nguồn ngân sách nhà nước. Còn lại khoảng 1.807 tỷ đồng chưa được bố trí đang được các bộ, ngành đề xuất giao VEC tự cân đối.

Để tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền, ngày 21/5/2020, Chính phủ có Nghị quyết số 75 về xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản và VEC là chủ đầu tư nên tiến độ triển khai dự án chậm sẽ phát sinh các chi phí và ảnh hưởng đến thời gian thu phí hoàn vốn, giảm hiệu quả đầu tư của dự án.

 

Trước thực trạng hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quan tâm, tập trung chỉ đạo Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc VEC khẩn trương làm việc để Bộ Kế hoạch & Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án giải quyết vướng mắc về cơ chế vốn đối ứng cho dự án.

Hiện nay, các vướng mắc tập trung chủ yếu liên quan sự chủ động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và VEC. Đối với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan cũng có trách nhiệm trong việc phối hợp xử lý các vướng mắc.

Để xử lý các vướng mắc về thủ tục bố trí vốn, tiếp tục triển khai dự án, Bộ Giao thông vận tải đề nghị đối với vốn vay JICA, VEC chủ động cung cấp hồ sơ, giải trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án; phối hợp chặt chẽ để Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án của VEC.

Về nguồn vốn vay ADB, VEC cần khẩn trương thực hiện các hạng mục công việc nhánh phía Đông (thuộc phạm vi khoản vay ADB lần 2), xây dựng tiến độ chi tiết để hoàn thành đúng thời hạn Hiệp định vay. Trường hợp không kịp thời hạn Hiệp định vay, cần nghiên cứu phương án khả thi báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.

Đối với phần vốn còn thiếu để hoàn thành đoạn tuyến phía Tây, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và Hiệp định vay ADB lần 2 đối với các gói thầu đoạn phía Tây của dự án.

Trong đó, "lưu ý so sánh với phương án sử dụng nguồn vốn hợp pháp của VEC để đề xuất cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.

Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng đồng thời đề nghị VEC khẩn trương thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội theo chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát lại tổng thể, chi tiết phương án tài chính cho các dự án của VEC, tái cơ cấu các nguồn vốn…

Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế, đề xuất nguồn vốn để đầu tư các công trình đảm bảo, nâng cao khả năng kết nối với các dự án liên quan như: đầu tư bổ sung cầu vượt tại nút giao Long Thành - Dầu Giây và Biên Hòa - Vũng Tàu; Hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 51 và tuyến nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; mở rộng tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

VEC cũng cần chủ động làm việc với các nhà tài trợ ADB và JICA để giải quyết việc chấm dứt hợp đồng các gói thầu A1, A6 và J3 và các thủ tục cần thiết để lựa chọn nhà thầu mới triển khai hoàn thành dự án theo quy định; chủ động làm việc, đàm phán với các nhà thầu để giải quyết dứt điểm các vướng mắc và triển khai thi công lại.

Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu khẩn trương tái khởi động thi công các gói thầu, phấn đấu hoàn thành các đoạn tuyến sử dụng vốn vay ADB trong quý 3/2023”, Bộ trưởng yêu cầu.

 

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án cao tốc lớn nhất miền Nam, có tổng chiều dài khoảng 57,8 km đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 31.320 tỷ đồng, gồm vốn vay ADB hơn 13.600 tỷ đồng; vốn JICA gần 12.000 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 5.689 tỷ đồng. 

Dự án có 11 gói thầu xây lắp chính. Trong đó, 5 gói thầu đoạn phía Tây (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4) sử dụng vốn vay ADB; 03 gói thầu đoạn giữa (J1, J2 và J3) sử dụng vốn vay JICA; 03 gói thầu đoạn phía Đông (A5, A6 và A7), sử dụng vốn từ Hiệp định vay ADB lần hai 2.

Được khởi công xây dựng từ năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2019, tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý, trong đó có thủ tục bố trí vốn nên dự án phải dừng thi công từ giữa năm 2019.