Khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gần 13.000 tỷ, hình thành trục cao tốc dài nhất Việt Nam
Từ 1/9, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào khai thác sau hơn 2 năm thi công gấp rút. Đây là "mảnh ghép" cuối cùng của chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam gần 600km Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn...
Ngày 1/9, tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh diễn ra lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh dài 176km.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định việc hoàn thành tuyến đường cao tốc cuối cùng để kết nối vùng mang ý nghĩa quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, nhất là xây dựng hệ thống đường cao tốc; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về giao thông; tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.
Việc hoàn thành tuyến đường cao tốc cuối cùng phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và các tỉnh thành có tuyến cao tốc đi qua, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển nhanh, phát triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế. Với tuyến cao tốc của Quảng Ninh, các doanh nghiệp đóng góp tới 64,5% tổng vốn đầu tư, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 35,5%.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong huy động nguồn lực đầu tư, ngày càng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, chung tay với các bộ, ngành, địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công từ tháng 4/2019 với tổng chiều dài 79,38km, rộng 25,25m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h, tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, nhận thức quan điểm “giao thông đi trước một bước” và đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” tỉnh Quảng Ninh huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao.
Điều này trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược, tạo sức lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Cũng theo ông Văn, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ninh triển khai 46 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng, trong đó nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng.
"Trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được triển khai trong tâm thế đầy tự hào, khi cuối năm 2018, Quảng Ninh vừa đưa vào khánh thành cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, được Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ đánh giá là kỳ tích, sự đột phá mới mẻ và là địa phương điển hình về xây dựng hạ tầng giao thông trong toàn quốc, nơi khởi phát các ý tưởng phát triển.
Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, khi công tác chuẩn bị cho tổ chức thi công đang bắt đầu, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc tổ chức thi công gặp khó khăn. Có thời điểm công trường vào thế bế tắc khi phương án tài chính của nhà đầu tư vướng mắc; công tác giải phóng mặt bằng với diện tích lớn nhất từ trước đến nay với gần 190ha phải thu hồi trong thời gian ngắn, liên quan đến hàng nghìn hộ dân và nhiều công trình công cộng khác...
Trước những khó khăn đó, với quyết tâm sớm hoàn thiện "mảnh ghép" cuối cùng chuỗi cao tốc dọc tỉnh, tháng 7/2020, tỉnh Quảng Ninh tách cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành 2 dự án độc lập.
Một là, tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16 km có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng được triển khai theo hình thức đầu tư công.
Hai là, tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài 64 km có tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh phát động Chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chỉ sau 15 ngày đêm đã hoàn thành thu hồi gần 190ha đất, liên quan đến gần 1.200 hộ dân, tại 5 huyện trong tỉnh...
Đây cũng là một trong những cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối với 32 cây cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài là hơn 7,9km, chiếm 10% tổng chiều dài tuyến. Trong đó, dự án Vân Đồn - Tiên Yên có 7 cầu, tổng chiều dài 3.812,6m; dự án Tiên Yên - Móng Cái 25 cầu, tổng chiều dài 3.625,9m và sở hữu cầu Vân Tiên vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh (1.515m).
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hình thành góp phần hình thành trục kinh tế phía Đông với sự tham gia của 4 địa phương có cao tốc Hà Nội - Móng Cái đi qua là tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.
Một số hình ảnh về Cao tốc Vân Đồng - Móng Cái ngày khánh thành 1.9.2022
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đưa vào khai thác sau 25 tháng thi công, tuyến đường sẽ kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, gần 600km và đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước, 176/1.046km.
Tuyến cao tốc cũng góp phần giảm cự ly và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương, từ Hà Nội đến Móng Cái từ gần 400km, thay vì thời gian di chuyển mất 7 giờ đồng hồ trước đây thì nay quãng đường chỉ còn 276km đường cao tốc, với 2,5 giờ di chuyển.