Khẩn trương hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu
Bộ Công Thương tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trước ngày 11/7 để xem xét, ký ban hành trước ngày 12/7…
Ngày 10/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải nghiên cứu các quy định giá mua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này.
Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm tính pháp lý của nghị định và các quy định hiện hành, trong đó có Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8).
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trước ngày 11/7 để xem xét, ký ban hành trước ngày 12/7.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành văn bản 278/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ khái niệm tự sản, tự tiêu theo hướng sản xuất ra cơ bản để dùng, đối với lượng điện dư thừa nếu có lắp đặt pin lưu trữ, tích điện thì EVN sẽ nghiên cứu đề xuất mua điện với giá hợp lý.
Đặc biệt là giá mua điện vào giờ cao điểm, trường hợp không có pin lưu trữ điện thì EVN sẽ mua với giá thấp nhất trên thị trường điện mà EVN mua của các hộ bán điện khác. Lượng điện dư thừa mà EVN mua lại thì có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN.
Bên cạnh đó, theo dõi, cập nhật, công bố, công khai minh bạch số liệu cụ thể về khả năng truyền tải, hấp thụ sản lượng điện năng lượng tái tạo của từng khu vực, từ đó đề xuất điều chỉnh kịp thời quy hoạch điện trên cơ sở dự báo cung cầu, khi khả năng về công nghệ cho phép chuyển đổi năng lượng xanh nhanh hơn, đáp ứng theo vùng phụ tải và hạ tầng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và các nhà đầu tư được huy động tham gia thị trường điện.
Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định, công bố sản lượng điện năng lượng tái tạo tiêu thụ của từng khách hàng, làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp; có chế tài cảnh báo, xử lý những vi phạm liên quan đến mua bán điện trực tiếp như đăng ký, cập nhật số liệu, đấu nối và thanh tra, kiểm tra theo cơ chế hậu kiểm.
Tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc là phương án phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà được tính toán để hài hoà giữa các loại hình nguồn điện đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8; đưa ra các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn.
“Trong Nghị định cần thể hiện rõ cơ chế khuyến khích trong việc đơn giản hoá quy trình, thủ tục; ưu đãi, quy trình quản lý kỹ thuật, hỗ trợ lãi suất vay”, Phó Thủ tướng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh: Việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước phải đầu tư thêm nguồn điện mới. Vì vậy, cần phải nghiên cứu thêm chính sách này thay vì Nhà nước đầu tư cho nguồn điện mới thì việc người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ được nhà nước hỗ trợ chi phí từ nguồn này để khuyến khích và bảo đảm lợi ích lâu dài.