09:50 08/08/2008

Khi bình dân đã từng là… xa xỉ

Đức Thọ

15 năm tuổi đời, điện thoại di động đã từ một dịch vụ bị đánh giá là đặc biệt xa xỉ biến thành sản phẩm bình dân

Sẽ không ai còn cảm thấy lạ lẫm khi một bác nông dân đang cày ruộng chợt dừng lại để rút điện thoại di động ra nói chuyện, không ai còn lạ gì cảnh một cô hàng tép cầm máy nhắn tin cho con đang học đại học.
Sẽ không ai còn cảm thấy lạ lẫm khi một bác nông dân đang cày ruộng chợt dừng lại để rút điện thoại di động ra nói chuyện, không ai còn lạ gì cảnh một cô hàng tép cầm máy nhắn tin cho con đang học đại học.
Có thể nói đến nay chưa có mặt hàng, dịch vụ nào lại có sự lột xác mạnh mẽ và nhanh như dịch vụ điện thoại di động.

15 năm tuổi đời, điện thoại di động đã từ một dịch vụ bị đánh giá là đặc biệt xa xỉ biến thành sản phẩm bình dân.

Biến xa xỉ thành bình dân

Cách đây hơn 10 năm, hình ảnh một người đàn ông cầm điện thoại di động để trao đổi công việc hay hỏi thăm sức khỏe gia đình thật sự rất hiếm gặp.

Phía sau ánh mắt của những người xung quanh, người đàn ông ấy chỉ có thể hoặc là một doanh nhân thành đạt, hoặc là một Việt kiều giàu có. Hình dung ấy rất đơn giản bởi chiếc điện thoại kia có giá trị bằng cả chục tấn gạo và một phút nói chuyện qua “cái máy” đó cũng tiêu tốn cả ngày ăn của một đại gia đình ở nông thôn.

Nhưng nay, thứ hàng hóa xa xỉ ấy đã trở nên bình dân hơn bao giờ hết. Sẽ không ai còn cảm thấy lạ lẫm khi một bác nông dân đang cày ruộng chợt dừng lại để rút điện thoại di động ra nói chuyện, không ai còn lạ gì cảnh một cô hàng tép cầm máy nhắn tin cho con đang học đại học. Vậy điều gì đã tạo nên sự biến đổi đó?

Năm 1993, mạng điện thoại di động MobiFone ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của ngành viễn thông Việt Nam. Cho dù khi ấy MobiFone còn phải hoạt động dựa trên kinh nghiệm và kỹ năng của tập đoàn Comvik (Thụy Điển) và cơ sở hạ tầng mạng còn quá nghèo nàn, song MobiFone cũng đã mở đường cho một hướng phát triển dịch vụ mới.

Sau MobiFone, một “người anh em” khác cùng trong “gia đình” VNPT là Vinaphone đã ra đời để cùng nhau chia sẻ thị trường dịch vụ xa xỉ này.

Và quãng thời gian tròn một thập niên cũng chính là quãng thời gian hai mạng thông tin di động này độc chiếm thị trường. Kể cả khi mạng di động thứ ba là S-Fone ra đời, thị trường thông tin di động cũng vẫn được coi là một thị trường xa xỉ.

Do đó, năm 2004 đã được coi là một bước chuyển lịch sử của thị trường thông tin di động Việt Nam khi Viettel Mobile ra đời và ngay lập tức tạo thành một “cú sốc” cạnh tranh. Việc “đàn em” Viettel ra đời đã “khai hỏa” cho cuộc đua giá cước buộc 3 mạng di động còn lại, đặc biệt là 2 “đàn anh” MobiFone và Vinaphone, phải tích cực tham gia một cuộc chay đua toàn diện hơn cả về giá cước, thuê bao, vùng phủ sóng lẫn chất lượng mạng và các dịch vụ giá trị gia tăng.

Cuộc đua này đã góp phần quan trọng biến điện thoại di động từ một dịch vụ xa xỉ trở thành bình dân. Trong khi suốt một thập niên từ khi mạng di động đầu tiên ra đời đến hết 2004, tổng lượng thuê bao điện thoại đi động chỉ đạt dưới 4 triệu thì chưa đầy 4 năm sau đó, con số này đã tăng gấp hơn 10 lần.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến đầu tháng 6/2008, tổng lượng thuê bao điện thoại di động của cả 6 mạng đã đạt con số 48 triệu.

Trong đó, Viettel chiếm ngôi số 1 với 19,5 triệu thuê bao (41% thị phần), kế tiếp là MobiFone với hơn 13,4 triệu thuê bao (28%), mạng di động VinaPhone đạt khoảng 12,1 triệu thuê bao (25%), mạng S-Fone đạt hơn 3 triệu thuê bao và EVN chiếm khoảng 6% thị phần còn lại.

Câu chuyện của cạnh tranh

Từ câu chuyện của ngành dịch vụ điện thoại di động, sẽ không thừa khi tái khẳng định rằng: cạnh tranh chính là chìa khóa quan trọng nhất để một thị trường, một ngành kinh tế nào đó... phát triển mạnh và bền vững.

Nhiều người đã bắt đầu thật sự quan tâm đến cách làm của Viettel khi ông Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng mải mê thuyết trình về “triết lý quả cà chua” trong dịp mạng này ra mắt gói cước thông dụng Tomato (đầu tháng 10/2007).

Ông Hùng cho rằng, quả cà chua là thứ thực phẩm bình dân nhất, ai cũng có thể ăn và có thể chế biến được rất nhiều món ngon; cà chua là thứ cây rất dễ gieo trồng và nó còn góp phần cải tạo đất… Do đó, nếu một sản phẩm viễn thông giống như một của cà chua, nghĩa là rẻ (đến mức bằng không), quen thuộc trong từng bữa ăn của bất kỳ gia đình nào dù giàu hay nghèo, quen thuộc đến mức không ai không nghĩ đến nó… thì sản phẩm ấy chắc chắn thành công.

Đồng thời, nó còn góp phần phát triển thương hiệu công ty và một điểm quan trọng nữa là nó sẽ giúp doanh nghiệp đưa viễn thông đến cả những người nông dân nghèo nhất, khi họ có thể hầu như không mất đồng tiền cước nào mà vẫn có thể sử dụng.

Tất nhiên, để chế biến được nhiều món ngon thì người đầu bếp - cung cấp dịch vụ - sẽ luôn phải sáng tạo với “cái lưỡi” - sự nhạy cảm - tốt nhất. Quả cà chua mà ông Hùng say sưa thuyết trình thực ra cũng chỉ là một dẫn dụ giản dị cho một triết lý, đó là kinh doanh phải đem lại lợi nhuận và phục vụ phát triển xã hội.