11:27 18/10/2007

Khi người lớn mặc chiếc áo trẻ con

“Công ty đã lớn, phải mặc cho nó chiếc áo khác chứ đâu thể bắt ăn mặc như xưởng mộc của ba ngày trước”!

Vừa vào quán cà phê, chưa kịp chào hỏi, bà Y., phó tổng giám đốc một công ty chế biến gỗ, than ngay với ông bạn làm tư vấn thương hiệu: “Anh xem có ai cố giới thiệu cho em một người chứ kiểu này hai vợ chồng em chết vì một núi công việc”.

Bà Y. than thở vì dạo này bà tất bật ngược xuôi, vừa lo bán hàng, tiếp thị sản phẩm, lo luôn cả việc điều hành văn phòng gần 30 nhân viên ở thành phố.

Hai vợ chồng bà Y. lập công ty, chuyên làm ván sàn, cửa gỗ cho các biệt thự, căn hộ cách nay năm năm. Chồng bà là một tiến sĩ về cơ khí chính xác, học ở nước ngoài về, nói là tổng giám đốc nhưng suốt ngày lo cái xưởng nhỏ ở quận 9, còn bà lo bán hàng, vay vốn ngân hàng và phụ trách cái văn phòng vài chục mét vuông ở nội thành.

Làm ăn khấm khá, hai vợ chồng quyết định xây nhà máy ở Bình Dương với thiết bị nhập khẩu hiện đại, tốn gần 2 triệu USD cách nay hơn một năm.

Đúng là “thuyền lớn sóng lớn”. Nhà máy xây xong, ông chồng phụ trách kỹ thuật nên suốt ngày túc trực ở nhà máy lo tuyển công nhân, đào tạo nghề, rồi điều chỉnh máy móc, còn mọi việc kinh doanh ở thành phố gần như một mình bà Y. làm. Khách hàng nhiều, công nhân đông thì bà càng khổ sở hơn, nên gặp ai bà cũng nhờ tìm giúp người phụ trách mảng kinh doanh, tiếp thị cho công ty, để bà lo việc tài chính và văn phòng.

“Thiệt kiếm người không dễ chút nào, tuyển nhân viên bình thường thì đơn giản, tuyển người quản lý khó quá, biết họ có làm được không, có kinh nghiệm ngành gỗ hay không”, bà đắn đo.

Trước khi nhà máy hoạt động, vợ chồng bà tuy có vất vả nhưng vẫn xử lý được mọi chuyện, bây giờ thì khác. Nửa năm trước, nghe người quen giới thiệu, bà tìm cách mời một nữ quản lý trẻ, mới 35 tuổi, có kinh nghiệm làm giám đốc tiếp thị một công ty lớn trong nước nhưng một công ty kinh doanh ván sàn khác đã tuyển mất. Bây giờ bà còn tiếc hơn nữa khi biết người quản lý đó đã xây dựng được hệ thống phân phối ván sàn khá bài bản cho công ty nọ chỉ sau nửa năm nhận việc.

Thấy vợ vất vả nên ông D., chồng bà, vừa lo sản xuất ở nhà máy, vừa dành thời gian cho văn phòng ở thành phố với vợ. Ông tá hỏa khi thấy việc kinh doanh còn rắc rối hơn nhiều so với việc điều khiển 500 công nhân ở nhà máy. Bây giờ không chỉ bà Y. lo tìm người phụ trách khâu kinh doanh, tiếp thị, ngay cả ông D. gặp ai cũng nhờ tìm người làm giám đốc kỹ thuật nhà máy gỗ, chứ ông không thể vừa chạy liên tục giữa thành phố và khách hàng ở các tỉnh, vừa phải lên xuống nhà máy ở Bình Dương.

Tuy bận túi bụi nhưng bà Y. lại là người ham học, như để bù lại ngày xưa bà chẳng học gì về kinh doanh. Bà tranh thủ học một loạt khóa đào tạo CEO (giám đốc điều hành), CFO (giám đốc tài chính), rồi tới các khóa học xây dựng thương hiệu…

Thấy vợ ham học, ông D. vui mừng nhưng lại nơm nớp lo sợ. Bởi học xong khóa nào, bà bắt tay áp dụng ngay vào công ty, vốn chỉ là một công ty gia đình. Văn phòng chật chội, bà thuê hẳn một tòa nhà trên một con đường lớn trong thành phố làm văn phòng kết hợp trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Học xong khóa đào tạo về định vị thương hiệu, bà bắt chồng phải thuê người lập trang web giới thiệu sản phẩm, vẽ lại logo của công ty, làm bảng quảng cáo, khiến ông D. phải chạy đôn chạy đáo. Tìm không ra người quản lý, bà quay sang rủ cô em gái làm mỹ thuật công nghiệp ở Hà Nội vào giúp bà khâu quảng bá thương hiệu.

Mới đây, bà Y. mạnh dạn thuê một công ty tư vấn xây dựng thương hiệu. Tìm hiểu xong xuôi, vị chuyên gia thương hiệu nói thẳng là công ty của bà như một đứa trẻ đang lớn nhanh, từ tiền vốn, doanh thu, công nhân, khách hàng, nhà máy… nhưng chiếc áo đang mặc lại không vừa với cơ thể đang lớn nhanh đó, nên mọi thứ trong công ty “rối như canh hẹ”. Bây giờ thì vợ chồng bà Y. hăm hở lao vào cái gọi là tái cấu trúc công ty.

Khác với vợ chồng bà Y., ông Q. ở Hố Nai, Biên Hòa, vốn là dân trong nghề. Từ một anh thợ mộc cha truyền con nối, đóng bàn ghế, giường tủ cho bà con lối xóm cách nay hơn 10 năm, dần dà ông sửa lại chái bếp sau nhà làm xưởng mộc, rồi nhận làm gia công hàng gỗ xuất khẩu cho các công ty lớn. Năm năm trước ông mở công ty mà nhà máy chính là xưởng mộc ọp ẹp sau hè, bắt đầu tìm đường xuất khẩu chứ không làm gia công như trước.

“Giống như mình trước đây chỉ bơi trong ao, nay ra biển mới thấy khiếp”, ông Q. nói. Vốn là anh thợ mộc “cấp làng” như ông thường nói, ông Q. rành đục đẽo, cưa xẻ nhưng “mù tịt” về bản vẽ thiết kế sản phẩm trên máy vi tính hay đàm phán thương thảo ký hợp đồng với nước ngoài. Mỗi lần có khách hàng nước ngoài hẹn tới thăm nhà máy, ông mất ăn mất ngủ mấy đêm liền, lo ngại khách thấy nhà xưởng sẽ chê bai, rồi không biết tiếng Anh, thông dịch viên có dịch sai ý mình không…

May cho ông, công ty làm ăn phát đạt, từ chỗ doanh thu xuất khẩu chỉ vài trăm ngàn USD thì nay tăng lên 3-4 triệu USD. Thời gian này cũng vừa lúc cô con gái đầu của ông tốt nghiệp đại học kinh tế ở thành phố, quay về phụ cha quản lý công ty, lo việc tiếp thị, dự hội chợ. Biết mình không được ăn học nhiều, ông Q. thông qua mấy khách hàng thân thiết, gửi con gái sang Mỹ học bán sản phẩm gỗ gần một năm trời. Rồi ông đầu tư xây nhà máy rộng 1 héc ta ở thành phố Biên Hòa.

Lúc đầu ông chỉ nghĩ đơn giản: “Con tôi đi học về sẽ lo quản lý chuyện kinh doanh, còn tôi chỉ lo kỹ thuật sản xuất ở nhà máy, không ngờ…”, ông kể lại.

Cái mà ông không ngờ chính là cô con gái, khi bắt tay vào quản lý đã làm thay đổi mọi chuyện. Trước đây, gần như công ty chẳng có phòng ban, mọi việc từ lớn tới nhỏ ai cũng phải hỏi ý kiến ông, còn ông thì “quản lý tới từng công nhân”. Nay cô con gái bắt ông phải thay đổi, phải lập phòng thiết kế kỹ thuật lo khâu thiết kế sản phẩm, phòng phụ trách kỹ thuật sản xuất ở nhà máy lo khâu sản xuất, quản lý công nhân. Văn phòng có phòng kinh doanh và tiếp thị, phòng kế toán, nên ông có cảm giác mình như người thừa, chẳng biết “ngồi” ở đâu cho đúng chỗ.

Ông luôn tự hào tay nghề đục đẽo hàng chục năm của mình, nhưng bây giờ cô con gái quyết qua Ý mua bằng được thiết bị chế biến gỗ hiện đại, có máy bào láng bốn mặt. Lúc đó tay nghề bào của ông sẽ không còn “đất dụng võ”. Ngày trước khách hàng nước ngoài tới công ty thì ông tiếp, nay ngay cái việc cỏn con đó cô con gái cũng giành làm, bởi sợ ông nói hớ, hay không biết cách giới thiệu sản phẩm, rồi phải qua phiên dịch rắc rối.

“Bây giờ hở ra là nó nói để con làm cho, ba cứ ngồi đấy”, ông Q. buồn vì giống như bị thất nghiệp nhưng trong lòng lại rất vui, dù sao thì đứa con gái cũng tạo cho công ty một bộ mặt khác. Còn con gái luôn nói với ông: “Công ty đã lớn, phải mặc cho nó chiếc áo khác chứ đâu thể bắt ăn mặc như xưởng mộc của ba ngày trước”!