19:23 14/02/2022

Khi sàn đấu giá nhắm đến thời trang xa xỉ cổ điển

Minh Nguyệt

Tại buổi đấu giá Gros & Delettrez sắp diễn ra ở Paris, những người quan tâm sẽ có thể mua quần áo và phụ kiện Chanel và Hermès cổ điển quý hiếm từ Catherine B, một nhà sưu tập đến từ Pháp...

Ngày càng có nhiều các nhà đấu giá lớn nhất thế giới hiện có xu hướng bán sản phẩm thời trang cổ điển vì ngày càng có nhiều người tìm mua chúng để đầu tư. Theo SCMP, đại dịch Covid-19 khiến các cuộc đấu giá thời trang trên Internet trở nên phổ biến hơn. Năm ngoái, số lượng khách hàng Trung Quốc đấu giá trực tuyến cho thời trang xa xỉ đã tăng gấp 3 lần.

Dịch Covid-19 hoành hành, sự bùng nổ trong giao dịch tiền điện tử và chứng khoán trực tuyến đã tạo ra một thế hệ mới gồm những nhà sưu tập trẻ tuổi, giàu có - những người bắt đầu mua trực tuyến mọi thứ, từ tác phẩm nghệ thuật, xe hơi cổ điển đến hàng xa xỉ, rượu vang, đồng hồ và kim cương. Mới đây nhất, phiên đấu giá những đôi giày Louis Vuitton x Nike Air Force 1 kéo dài từ ngày 26/1 – 9/2 đã thu về 25,3 triệu USD (gần 582 tỷ đồng) – kỷ lục công khai cao nhất cho các cuộc đấu giá giày thể thao và thời trang danh tiếng.

Từ ngày mai, bộ sưu tập quần áo và phụ kiển của nhà sưu tập thời trang Catherine B sẽ được Gros & Delettrez đấu giá tại Paris vào ngày 15 đến 17/2. Một trong món hàng đang được giới mộ điệu mong chờ trong cuộc đấu giá là túi xách XL Hula Hoop do Karl Lagerfeld thiết kế cho Chanel. Chiếc túi đã được giới thiệu trong bộ sưu tập Xuân Hè năm 2013 và chỉ có 2 phiên bản. Theo Lagerfeld, chiếc túi được thiết kế cho những kỳ nghỉ trên bãi biển và vừa vặn để cất một khăn choàng lớn, váy, bikini hay khăn quàng cổ xinh xắn.

Cửa hàng Les 3 Marches của nhà sưu tập thời trang Catherine B nằm ở quận Saint-Germain-des-Prés, Paris.
Cửa hàng Les 3 Marches của nhà sưu tập thời trang Catherine B nằm ở quận Saint-Germain-des-Prés, Paris.

Một sản phẩm từ thương hiệu Chanel cũng sẽ xuất hiện trong lần đấu giá này là xe đạp Chanel - chiếc xe đầu tiên do Karl Lagerfeld thiết kế, với viền bằng da chần đen không chỉ ôm sát yên xe mà còn bảo vệ tay cầm và dây xích. Chiếc xe được đặt tên theo tên của những túi du lịch kinh điển và lấy cảm hứng từ thiết kế của Chanel Classic Flap nổi tiếng. Chiếc xe được lắp ráp bằng tay và bao gồm bộ bơm bọc da chần bông gắn vào các giá đỡ.

Một bản sao hiếm hơn chính là búp bê "Be @ rbrick" của Chanel ra mắt năm 2006. Búp bê cũng do Karl Lagerfeld thiết kế và được "mặc đồ" như chính Coco Chanel. Ngoài ra, chiếc thắt lưng Chanel nằm trong bộ sưu tập Thu Đông 1991 - 1992 cũng sẽ được bán trong buổi đấu giá.

Túi xách XL Hula Hoop do Karl Lagerfeld thiết kế cho Chanel.
Túi xách XL Hula Hoop do Karl Lagerfeld thiết kế cho Chanel.

Thương hiệu Hermès cũng sẽ xuất hiện trong phiên đấu giá Gros & Delettrez đặc biệt, với những sản phẩm không chỉ gồm những mẫu túi sang trọng cổ điển mà còn cả túi du lịch, va li, phụ kiện vintage, thắt lưng, đồ trang sức, ô, yên da, túi xách chơi gôn và những món nội thất.

Nổi bật nhất trong số các sản phẩm của Hermès là chiếc túi xách da màu nâu "Kelly Sellier 33" được nghệ sĩ Antoine Kruk trang trí với hình vẽ "Kelly-diot". Trong khi đó, các sản phẩm được dự đoán sẽ “được giá” nhất của Hermès dự kiến sẽ là túi du lịch Kelly Retourné có khóa bọc bằng pallet, túi du lịch bằng da ôliu Kelly (55 cm) và túi du lịch màu vàng và nâu sẫm của Haut à Courroies.

Túi xách Chanel, Hermès kiểu dáng cũ đang trở thành mặt hàng đầu tư kiếm "bộn tiền" ở Trung Quốc khi giá trị của nó có thể tăng gấp nhiều lần thông qua các cuộc đấu giá. Katie McNaughton - chủ một cửa hàng thời trang theo phong cách cổ điển ở London - cho biết ngày càng nhiều người tham gia vào cuộc đua đầu tư quần áo, túi xách, giày dép hàng hiệu khiến nhu cầu đối với những món đồ cổ điển tăng vọt. “Đầu tư một chiếc túi Chanel cổ điển giống như mở tài khoản tiết kiệm. Giá trị của nó đã tăng thêm 12% vào năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục tăng",  McNaughton cho biết.

Khi sàn đấu giá nhắm đến thời trang xa xỉ cổ điển - Ảnh 1
Khi sàn đấu giá nhắm đến thời trang xa xỉ cổ điển - Ảnh 2
 
Khi sàn đấu giá nhắm đến thời trang xa xỉ cổ điển - Ảnh 3
Khi sàn đấu giá nhắm đến thời trang xa xỉ cổ điển - Ảnh 4
 

Năm ngoái, túi xách Hermès, giày thể thao Nike, giày Chanel và đồng hồ Patek Philippe đều là những sản phẩm nằm trong top bán chạy nhất tại các hãng đấu giá đình đám ở Trung Quốc như Sotheby’s, Christie’s và Phillips. Trước tình hình đại dịch Covid-19, việc đấu giá trực tuyến các mặt hàng thời trang cổ điện càng trở nên phổ biến và được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng, đặc biệt là người trẻ. Khi nhu cầu sở hữu một chiếc túi hoặc đôi giày hàng hiệu ngày càng cao, việc sắm những mặt hàng thiết kế cũ được xem là một hình thức đầu tư thông minh.

Nhu cầu đối với những chiếc túi cổ điển một phần do tính bền vững đang được đẩy mạnh và khuyến khích trong ngành công nghiệp thời trang. Thực tế, nhiều nhà thiết kế cũng thường xuyên xem lại bộ sưu tập của họ trước khi tạo ra những thiết kế mới. Điều này khiến những sản phẩm mới vẫn mang hơi thở từ thiết kế cũ và món đồ cổ điển được nhớ đến và trở nên có giá trị hơn.

Xu hướng này ngày càng được thúc đẩy trong thời dịch do yêu cầu của khách hàng về các sản phẩm xa xỉ cần có tính cá nhân cao, đặc biệt coi trọng yếu tố lịch sử và xuất xứ của chúng. Do đó cách nhanh nhất để sở hữu các mặt hàng quý hiếm này đó là thông qua các cuộc đấu giá. 

Ngoài túi xách, đồng hồ và đồ trang sức cao cấp, các mặt hàng phổ biến khác trong phiên đấu giá thường là đồ thời trang dạo phố. Khách hàng trẻ sẵn lòng trả gấp đôi hoặc gấp ba giá trị thực tế của một sản phẩm yêu thích nếu như họ bỏ lỡ đợt mở bán của nó. Các nhà đấu giá hiện đang thúc đẩy xu hướng này và cố gắng hợp lý hóa nó bằng cách giúp những nhà sưu tập đầu tư vào giày thể thao, ván trượt, áo nỉ và mũ lưỡi trai qua những đợt giảm giá lớn.

"Nhiều người tham gia buổi đấu giá đang xem việc mua giày, túi xách như mua một tác phẩm nghệ thuật. Họ cẩn thận cân nhắc hai yếu tố là giá trị thẩm mỹ lẫn giá trị đầu tư để dễ dàng bán lại trong tương lai", tờ SCMP nhận định.