Khoảng lặng trong kết quả kinh doanh ngân hàng
Cập nhật báo cáo tài chính 27 ngân hàng niêm yết cho thấy quy mô tài sản tăng trưởng chậm lại, chất lượng tài sản suy giảm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu mỏng thêm, chi phí hoạt động vẫn cao và đặc biệt là lợi nhuận ròng nhiều ngân hàng tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2023…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều chính sách nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, hấp thụ vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh đình đốn sau đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo phân tích của các chuyên gia, chính sách có nhiều ảnh hưởng nhất là Thông tư 26/2022 (TT 22/2019 sửa đổi) của Ngân hàng Nhà nước nhằm điều chỉnh cách tính tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) tại các ngân hàng thương mại. Theo đó, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được tính vào tổng huy động với một tỷ lệ khấu trừ nhất định. Tỷ lệ này sẽ được khấu trừ theo lộ trình giảm dần. Thông tư 26 được kỳ vọng tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có xấp xỉ 50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (ước tính khoảng hơn 150.000 tỷ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý 4/2022), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay.
Đồng thời, Thông tư 26 cũng mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước như Vietcombank, BIDV và VietinBank nhờ được hưởng lợi khi LDR mới giảm đáng kể.
TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TỚI THỊ TRƯỜNG
Một chính sách khác có tác động nhiều tới thị trường là quy định của Ngân hàng Nhà nước về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6/2023, tổng số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 toàn hệ thống đạt 62.464 tỷ đồng cho 18.846 khách hàng.
Đến cuối quý 2/2023, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết là 188.641,24 tỷ đồng; tăng 66.419,74 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 (122.221,5 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) toàn ngành ở mức 2,07%; tăng 0,57% so với quý 2 năm 2022.
Ngoài hai quy định mới kể trên, việc Ngân hàng Nhà nước 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay… cũng tác động rất tích cực tới thị trường.
Từ phía các ngân hàng, trong nửa đầu năm 2023, thị trường chứng kiến cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ. Theo thống kê của VnEconomy, có khoảng 25 ngân hàng thương mại cổ phần được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ trong nửa đầu năm 2023, tổng vốn mới lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.
Đến hết quý 2/2023, tổng tài sản của 27 ngân hàng niêm yết đạt hơn 11,373 triệu tỷ đồng, tăng 1,71% so với cùng kỳ 2022. Quy mô vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này đạt gần 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 2,88% so với quý 2/2022. Các mức tăng trưởng này đều chậm hơn so với cùng kỳ, lần lượt 2,22% và 2,13%.
Về chất lượng tài sản, đến cuối quý 2/2023, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết là 188.641,24 tỷ đồng; tăng 66.419,74 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 (122.221,5 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) toàn ngành ở mức 2,07%; tăng 0,57% so với quý 2 năm 2022.
THANH KHOẢN CHƯA BỀN VỮNG
Có hai ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là Vietcombank và Bắc Á Bank, NPL lần lượt là 0,83% và 0,7%. Có 8/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 2% là BIDV, Vietinbank, MBB, ACB, Seabank, Sacombank, Kiên Long Bank, Techcombank…; có 8/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 2% là BIDV, Vietinbank, MBB, ACB, Sacombank, Techcombank, Seabank, Kiên Long Bank… và 10/27 ngân hàng ghi nhận nợ xấu quanh 3%. Cá biệt, một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống, lên đến 25,65% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất hệ thống, chỉ 8,1%.
Ngoài ra, có 3/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 50%. Về bộ đệm dự phòng, Vietcombank đang là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất, lên tới 385,8%. Tiếp đến là Vietinbank xấp xỉ 170%; Bắc Á Bank 160%; BIDV gần 153%... Các ngân hàng còn lại có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% là Techconbank, MBB, ACB….
Cũng từ các báo cáo trên cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành giảm mạnh, từ mức 145,9% quý 2/2022 xuống còn 99,41% trong quý 2/2023. Cho dù có sự hỗ trợ của Thông tư 02/2023/TT-NHNN song tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng mạnh do kinh tế gặp khó khăn, chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm, tồn kho lớn…, dẫn đến rủi ro của toàn nền kinh tế tăng lên đáng kể. Điều này cũng đã được giới phân tích dự báo từ sớm.
Mặc dù trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành và điều hành thị trường mở linh hoạt, khiến cho thanh khoản hệ thống dồi dào nhưng thanh khoản của các ngân hàng vẫn mỏng, thể hiện qua tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) của các ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao.
Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết trong quý 2 đạt 2,4% so với cùng kỳ 2022; trong khi đó tăng trưởng huy động là 4,23%.
Theo khảo sát tại 27 ngân hàng niêm yết, chỉ có 12 ngân hàng công bố dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh. Theo đó, có 8 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ cho vay bất động sản tăng so với thời điểm cuối năm 2022.
LỢI NHUẬN RÒNG CỦA NHIỀU ĐƠN VỊ TĂNG TRƯỞNG ÂM
Ở chiều ngược lại, 4 ngân hàng lại ghi nhận giảm nhẹ tỷ lệ này là VietBank (giảm 2,62%), KienLong Bank (giảm 0,08%), PG Bank (giảm 2,84%), và VIB (giảm 0,14%)
Xét về dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, Techcombank vẫn là ngân hàng đứng đầu với 153.692 tỷ đồng, theo sau đó là VPBank (63.553 tỷ đồng).
Một trong những thông điệp xuyên suốt mà Ngân hàng Nhà nước gửi tới các ngân hàng thương mại từ đầu năm tới nay là tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Song, theo cập nhật của VnEconomy, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của hệ thống ngân hàng chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Lũy kế 6 tháng 2023, lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt hơn 103.462 tỷ đồng; giảm nhẹ 1,3% so với 104.780 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
CIR của ngân hàng thể hiện tổng chi phí của hoạt động của ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu của ngân hàng đó, từ đó cho thấy mức độ hiệu quả trong vận hành của ngân hàng.
Về cơ bản, CIR càng thấp cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu. Tỷ lệ CIR có dấu hiệu giảm dần qua các năm là khá tích cực, bằng cách nào đó ngân hàng đã tiết kiệm được chi phí vận hành, điều này giúp tăng lợi nhuận cho ngân hàng.
Quý 2/2023, CIR trung bình của các ngân hàng niêm yết là 34,32%, tăng 1,81% so với cùng kỳ 2022 (32,51%) và tăng 2,35% so với quý 1 (31,97%). Có 9/27 ngân hàng có CIR thấp hơn trung bình ngành là Vietcombank, Vietinbank, VPBank, Techcombank, VIB, SHB, OCB, MSB, ACB... Trong đó, SHB là ngân hàng có CIR thấp nhất hệ thống.
Ngoài ra, có 18 ngân hàng ghi nhận CIR trên 40%. Cá biệt, Bảo Việt Bank có tỷ lệ chi phí trên hoạt động lên tới 83%...
Nhiều yếu tố không mấy thuận lợi khiến 12/27 ngân hàng niêm yết suy giảm lợi nhuận ròng trong quý 2/2023. Có những ngân hàng ghi nhận lãi ròng sụt giảm tới hai chữ số. Trong đó, sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất trong quý 2/2023 là Bảo Việt Bank (-92,3%).
Ở chiều ngược lại, 6 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng một chữ số; 6 ngân hàng ghi nhận lãi ròng tăng trưởng hai con số là Vietcombank, Vietinbank, OCB, Ngân hàng Nam Á (mã chứng khoán NAB) PGBank (mã chứng khoán PGB) và Ngân hàng Việt Á (mã chứng khoán VAB).Cá biệt, Sacombank ghi nhận tăng trưởng lãi ròng 139,5% trong quý 2/2023.
Lũy kế 6 tháng 2023, lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt hơn 103.462 tỷ đồng; giảm nhẹ 1,3% so với 104.780 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2023. Trước đó, tăng trưởng lãi ròng của các ngân hàng niêm yết liên tục duy trì ở mức hai con số trong nhiều quý.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2023 phát hành ngày 07-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam