Khoảng trống không có lương hưu, trợ cấp của nhiều người cao tuổi
Tại Việt Nam, ở độ tuổi từ 60 đến 79, người cao tuổi có thể nhận lương hưu bảo hiểm xã hội, hoặc một trong các loại trợ cấp hưu trí xã hội và trợ cấp người có công. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện vẫn còn nhiều người cao tuổi trong khoảng này không nhận được chế độ nào...
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nội dung mới là trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
CÒN NHIỀU NGƯỜI CAO TUỔI CHƯA CÓ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP NÀO
Các tầng này bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội, theo đó ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng, có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.
Tầng thứ hai là bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tầng còn lại là bảo hiểm hưu trí bổ sung, đây là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, tại Việt Nam, ở độ tuổi từ 60 đến 79, người cao tuổi có thể nhận lương hưu bảo hiểm xã hội (phải đóng đủ theo Luật định và đạt tuổi nghỉ hưu theo quy định), hoặc một trong các loại trợ cấp hưu trí xã hội và trợ cấp người có công.
Các khoản trợ cấp bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp cho người cao tuổi) cho người từ 60 - 79 tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, hoặc cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn (tuổi 75 - 80) và trợ cấp cho những người khuyết tật ở mức độ nặng.
Tuy nhiên, còn nhiều người cao tuổi trong khoảng 60 -79 không nhận được chế độ nào. Từ 80 tuổi trở lên, tất cả những người không hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội đều được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Những người được thuộc diện hộ nghèo và sống một mình không có sự hỗ trợ của gia đình và/hoặc bị khuyết tật có thể nhận được mức trợ cấp cao hơn.
Theo Ủy ban Xã hội, việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội để thiết lập sàn an sinh, cùng với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng trong một văn bản luật.
Điều này phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhằm chuyển hướng mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng, và không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng.
ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG KHI BỔ SUNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ XÃ HỘI
Ý kiến khác lại cho rằng, trợ cấp hưu trí xã hội thực chất là chế độ thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chỉ dành cho những người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, chưa thực sự phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm là đóng - hưởng và bù đắp thu nhập.
Do vậy, không cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội vào dự án Luật mà có thể sửa quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi, các quy định này sẽ là bộ phận của pháp luật về bảo hiểm xã hội, mà không cần quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội.
Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban và một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thẩm tra, góp ý đối với dự án Luật nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ.
Việc này cũng là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân; phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm có thể so sánh được độ bao phủ của chế độ hưu trí giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả bảo hiểm y tế hay không?
Hiện nay dự thảo Luật mới chỉ giao “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội” là chưa đầy đủ.
Ngoài ra, cần nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn.
Ví dụ, có thể tính đến việc được đóng (tặng) bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cha, mẹ, người thân và các đối tượng khác…, nhằm vừa góp phần gia tăng đối tượng tham gia, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Mặt khác, quy định hiện hành đã cho phép người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng trước một khoảng thời gian. Do đó, cần có đánh giá tác động của đề xuất này để luật hóa, nhằm vừa bảo đảm quyền lợi lâu dài, vừa tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.