12:29 12/12/2022

Khối ngoại xả mạnh, tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Kim Phong

Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện, là sự bù đắp kịp thời để duy trì thanh khoản trong khi nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm mua và tăng bán mạnh. Tổng mức mua trên HoSE sáng nay chỉ còn chưa tới 77 tỷ đồng, thậm chí rổ VN30 còn đang bị bán ròng gần 63 tỷ...

Nhóm vốn hóa lớn vẫn đang đủ khỏe để giữ nhịp, trong khi dòng vốn chuyển hướng sáng các mã vừa và nhỏ.
Nhóm vốn hóa lớn vẫn đang đủ khỏe để giữ nhịp, trong khi dòng vốn chuyển hướng sáng các mã vừa và nhỏ.

Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện, là sự bù đắp kịp thời để duy trì thanh khoản trong khi nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm mua và tăng bán mạnh. Tổng mức mua trên HoSE sáng nay chỉ còn chưa tới 77 tỷ đồng, thậm chí rổ VN30 còn đang bị bán ròng gần 63 tỷ.

Thực tế mức giải ngân của khối ngoại vẫn chưa giảm nhiều, tổng mua ròng ở HoSE phiên sáng vẫn đạt 590,8 tỷ đồng, tương đương phiên sáng thứ Sáu tuần trước, nhưng mức bán ra tăng vọt 29%, đạt 513,9 tỷ đồng. Đó là nguyên nhân tại sao vị thế mua ròng lại thấp đột ngột.

VNM đang bị bán ròng nhiều nhất với -46,4 tỷ, HPG -34,6 tỷ, VRE -16,3 tỷ, MSN -16 tỷ. Phía mua có SHB +30,9 tỷ, SSI +22,4 tỷ, DGC +21,2 tỷ, STB +15,6 tỷ... Cổ phiếu thuộc rổ VN30 được mua vào 347,4 tỷ đồng trong khi bán ra tới 410,1 tỷ, tương ứng bán ròng 62,7 tỷ đồng.

Áp lực bán từ khối ngoại không quá lớn, nhưng ở các cổ phiếu cụ thể cũng gây sức ép rõ rệt khi thanh khoản chung không cao. Chẳng hạn VNM bị khối ngoại xả gần 63% tổng lượng giao dịch, giá gảim nhẹ 0,63%; HPG bị xả khoảng 14%, giá tăng 0,26%; VRE bị xả trên 69% thanh khoản, giá giảm 2,08%; MSN bị bán 68%, giá đứng tham chiếu...

Khối ngoại bắt đầu có tín hiệu tăng bán từ sáng nay, sau khi duy trì đà mua ròng 5 tuần liên tiếp trước đó. Việc tăng bán chưa làm đảo ngược vị thế mua ròng, nhưng bắt đầu làm giảm lượng vốn vào ròng. Đây có thể là tín hiệu chốt lời ngắn hạn thông thường, vì không phải tất cả dòng vốn ngoại giải ngân gần đây đều là vốn ETF hay vốn đầu tư dài hạn. Khối ngoại cũng đang tích cực lướt sóng.

Diễn biến của thị trường sáng nay tiếp tục đà đi lên, dù có một chút khó khăn đầu phiên. VN-Index dao động luẩn quẩn gần tham chiếu và phải tới sau 10 mới bứt tốc. Đà đi lên này gắn liền với cổ phiếu VCB, khi mã này cũng tăng tốc mạnh từ khoảng 10h trở đi. VCB chốt phiên sáng trên tham chiếu 3,49% thì riêng từ giai đoạn 10h trở đi tăng 1,4% sau cú nhảy tăng 1,9% ngay lúc mở cửa. Riêng VCB đã đem lại hơn 3 điểm tăng trong tổng số 8,83 điểm tăng ở VN-Index.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung tăng tích cực, nhưng vẫn phân hóa khá nhiều. 18/27 cổ phiếu nhóm này ở các sàn đang trên tham chiếu, nhưng blue-chips vẫn lọt vào STB, CTG, ACB, HDB giảm giá. EIB vẫn đang kịch trần sang phiên thứ 3 liên tiếp. Ngoài VCB, có thêm SHB tăng 3,3%, VPB tăng 2,07%, TPB tăng 2%, BID tăng 1,15%.

VN-Index vẫn dang được các cổ phiếu lớn thay nhau giữ nhịp rất tốt.
VN-Index vẫn dang được các cổ phiếu lớn thay nhau giữ nhịp rất tốt.

VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,31% với 19 mã tăng/10 mã giảm. VN-Index tăng khá hơn +0,84% với 282 mã tăng/121 mã giảm. Nguyên nhân chính là VCB có ảnh hưởng tốt hơn đối với VN-Index. Cụ thể, mã này chỉ cộng cho VN30-Index khoảng 1,5 điểm, bằng một nửa sức mạnh thể hiện trong VN-Index. Trong khi đó VHM giảm 2,03%, VIC giảm 1,18%, VRE giảm 2,08%, VNM giảm 0,63% có tác động lớn lên chỉ số này.

Với độ rộng vẫn tích cực, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang có tiến triển mạnh rõ rệt. VNSmallcap tăng 1,36%, Midcap tăng 1,28%, đều vượt trội so với các chỉ số chính. HoSE đang có 19 mã kịch trần thì hầu hết thuộc nhóm smallcap. Những cổ phiếu đã mạnh sẵn từ cuối tuần trước tiếp tục đà tăng ấn tượng như HVN, DRH, CTD, ANV, HAH, UDC, HBC...

NVL sáng nay cũng có phiên đảo chiều ấn tượng khi giá tăng kịch trần ngay lúc mở cửa. Khoảng 3,55 triệu cổ đã được mua vào và dư mua trần 18,3 tỷ đồng. HPX cũng tiếp tục tăng kịch trần, đang dư mua trần 6,12 triệu cổ. Cổ phiếu bất động sản về cơ bản cũng tăng tốt, nhưng sức ép từ nhóm trụ như VIC, VHM, VRE khiến chỉ số đại diện giảm 0,61%.

Thanh khoản hai sàn niêm yết ghi nhận mức tăng không đáng kể 2,6% so với sáng phiên trước, đạt 6.465 tỷ đồng. HoSE giao dịch tăng 4,4%, đạt 5.820 tỷ đồng nhưng VN30 lại giảm gần 10%, đạt 2.286 tỷ đồng. HoSE tăng thanh khoản là do nhiều cổ phiếu ngoài nhóm blue-chips VN30 như VND, GEX, DIG, VCG, DGC, VCI thanh khoản đều rất cao. Rổ Midcap sáng nay thậm chí khớp tới 2.672,4 tỷ đồng, còn cao hơn cả VN30. Giao dịch của nhóm VN30 sáng nay chỉ chiếm hơn 39% sàn trong khi mức trung bình các phiên sáng tuần trước chiếm khoảng 47%.

Thanh khoản duy trì ổn định trên thị trường trong bối cảnh khối ngoại tăng bán và dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thường là tín hiệu gia tăng của dòng vốn từ nhà đầu tư trong nước. HoSE ngoài 19 mã kịch trần, còn 174 cổ phiếu khác tăng từ 1% trở lên. Thanh khoản trong nhóm tăng giá chiếm gần 76% tổng giá trị khớp của sàn này. Trong khi đó thanh khoản nhóm giảm chỉ chiếm 17%. Điều này cho thấy dòng vốn phân bổ vẫn rất tích cực, dù biên độ tăng tổng thể không quá mạnh.