17:00 11/07/2023

Không chỉ suy giảm đơn hàng xuất khẩu, Việt Nam còn đối diện nguy cơ mất hẳn đơn hàng

Ánh Tuyết

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những nguy cơ Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là suy giảm cầu tiêu dùng hàng hóa từ nước ngoài mà là nguy cơ mất hẳn đơn hàng...

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới". Ảnh: Việt Dũng.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới". Ảnh: Việt Dũng.

Ngày 11/7, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", nhằm đánh giá toàn diện về nền kinh tế và tổng cầu, để từ đó chuẩn đoán những thách thức và cơ hội cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.

NGUY CƠ TĂNG TRƯỞNG THẤP KÉO DÀI

Chia sẻ tại toạ đàm, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thẳng thắn cho rằng nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục chỉ mang tính khích lệ, còn nhìn sâu vào bản chất sẽ thấy nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Theo đó, có thể phác hoạ bức tranh kinh tế của Việt Nam qua vài điểm trọng yếu.

Một là, tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng nguy cơ tăng trưởng thấp có thể kéo dài.

Theo ghi nhận, tăng trưởng trung bình của nền kinh tế Việt Nam qua các giai đoạn đang giảm dần, bắt đầu từ khi đổi mới, vào thập kỷ 90 tăng trưởng ở mức 7,6%, sau đó giảm dần qua các thời kỳ tiếp theo.

"Nguyên nhân chủ yếu là thiếu các chính sách mang tính cải cách dài hạn về nền kinh tế, đặc biệt là các chính sách trọng cung. Trong thập kỷ hiện nay, các chính sách liên quan tới cải cách môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp nhà nước hay các chính sách liên quan đến thuế, phí, khuyến khích khi đầu tư vào khu tư nhân hay thúc đẩy khoa học công nghệ rất vắng bóng. Do vậy sẽ kéo tốc độ tăng trưởng trung bình dài hạn của nền kinh tế xuống thấp dần", ông Thế Anh đánh giá.

Tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn và tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn.
Tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn và tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn.

Hai là, khu vực công nghiệp, đặc biệt sản xuất chế biến chế tạo, cấu phần lõi của nền kinh tế, sử dụng rất nhiều lao động và đóng góp khoảng  1/4 GDP đang chịu ảnh hưởng mạnh nhất.

Ba là, cả ba thành phần tổng cầu đều có xu hướng đều đều suy yếu.

TỔNG CẦU SUY YẾU

Liên quan đến sự sụt giảm các cấu phần trong tổng cầu, theo ghi nhận, nửa đầu năm, hoạt động đầu tư nhìn chung chưa đạt được mức kỳ vọng. Theo đó, tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước thực hiện 6 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 215.578,9 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong vòng 6 tháng tới, lượng giải ngân cần đạt gần 500 nghìn tỷ đồng mới đạt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2% so với cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng này trong năm 2022 là 9,5%.

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên, mức tăng này trong năm 2022 là 7,9%.

Các chuyên gia tại toạ đàm phân tích sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu, từ đó đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, kịp thời.
Các chuyên gia tại toạ đàm phân tích sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu, từ đó đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, kịp thời.

Đáng quan ngại, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6%, lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, ô tô và thép thanh, thép góc cùng giảm 18,2%; quần, áo mặc thường giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 19,2%.

 
PGS.TS. Phạm Thế Anh.
PGS.TS. Phạm Thế Anh.

"Một trong những nguy cơ Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là suy giảm cầu tiêu dùng hàng hóa từ nước ngoài mà là nguy cơ mất hẳn đơn hàng.

Nguy cơ mất hẳn đơn hàng trong lĩnh vực xuất khẩu này còn liên quan đến các quy định về sản xuất xanh, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường".

Vị chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, thứ nhất, Việt Nam hiện chưa tận dụng được các lợi thế từ FTA.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào gia công, nhập khẩu nguyên vật liệu rất nhiều từ bên ngoài. Do vậy, tồn tại nhiều vướng mắc trong các quy định về xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế. 

Thứ hai, chi phí nhân công của Việt Nam hiện nay trước đây rất cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng hiện nay cũng không còn nhiều lợi thế. Đặc biệt, trong bối cảnh tăng lương trong nước như hiện nay, lợi thế này đang dần mất đi.

Thứ ba, nguy cơ mất hẳn đơn hàng trong lĩnh vực xuất khẩu này còn liên quan đến các quy định về sản xuất xanh, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.

"Các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với các điều kiện này rất kém, do vậy, nguy cơ không chỉ làm mất đơn hàng tạm thời do suy thoái tổng cầu từ bên ngoài mà có thể mất hẳn đơn hàng", ông Thế Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, lạm phát xu hướng giảm nhanh, tuy nhiên, lạm phát cơ bản giảm chậm hơn và các đối tác thương mại lớn có xu hướng tiếp tục duy trì lãi suất cao, ít nhất trong phần còn lại năm.

Từ những điều kiện bất lợi kể trên và nền kinh tế thế giới còn nhiều bấp bênh, vị chuyên gia này cho rằng cần sử dụng một số những biện pháp kích cầu, tuy nhiên, cần kích cầu có chọn lọc và cần kết hợp các chính sách để cải thiện tổng cung tiềm năng, tức các chính sách trọng cung của nền kinh tế, bởi rõ ràng xu hướng tăng trưởng trung bình của nền kinh tế đang thấp dần qua các thập kỷ.