14:24 24/02/2007

Không phải mọi cảnh nợ nần đều là tội lỗi

LS. Nguyễn Văn Thảo

Pháp luật vẫn chưa tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp mắc nợ thoát khỏi tình trạng đứng bên bờ vực phá sản

Năm 1993, Luật Phá sản được Quốc hội thông qua bước đầu thử nghiệm.
Năm 1993, Luật Phá sản được Quốc hội thông qua bước đầu thử nghiệm.
Nhiều doanh nghiệp hiện đang ở trong tình trạng thua lỗ kéo dài, rất khó có khả năng trả nợ đến hạn nhưng số doanh nghiệp tự nộp đơn ra toà án xin phá sản theo Luật, cũng như số doanh nghiệp được Toà án tuyên bố phá sản còn rất ít.

Vì sao có tình trạng đó?

Một doanh nghiệp có thể lâm vào nguy cơ phá sản do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể bị rủi ro thiên tai, động đất, cháy rừng và nhiều rủi ro khác. Có thể do yếu kém về năng lực quản lý, tổ chức kinh doanh không phù hợp với điều kiện thị trường, quá tốn kém về thuê mướn công nhân.

Có thể bị cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, gia nhập WTO sự cạnh tranh với công ty nước ngoài rất có kinh nghiệm về chiếm lĩnh thị trường lại càng quyết liệt hơn. Có thể do nội bộ có tranh chấp giữa các thành viên công ty, kiện tụng và tố cáo lẫn nhau.

Còn có thể có nhiều nguyên nhân khác như biết công ty thua lỗ, người chủ doanh nghiệp chạy trốn hoặc có thể bị chết đột ngột hoặc mất tích.

Từ thử nghiệm đến hoàn thiện sự chế định

Năm 1993, Luật Phá sản được Quốc hội thông qua bước đầu thử nghiệm. Đến năm 2004 Luật Phá sản được Quốc hội thông qua, hoàn thiện một số chế định rất cơ bản, đáng chú ý.

Đối tượng áp dụng Luật Phá sản năm 1993 chỉ hạn chế trong một số doanh nghiệp nhất định, chưa áp dụng cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vựuc tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp dịch vụ công cộng thì Luật 1993 chưa đưa ra được 1 quy định cụ thể nào.

Luật năm 2004 quy định rõ ràng hơn, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xác, liên hiệp hợp tác xã, riêng doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp hợp tác xã về tài chính ngân hàng, cung cấp dịch vụ công ích thiết yếu được áp dụng với thủ tục riêng.

Doanh nghiệp nào bị coi lâm vào nguy cơ phá sản được Luật năm 2004 quy định chi tiết cụ thể hơn so với Luật 1993. Đó là những doanh nghiệp nợ quá nhiều, đến thời hạn trả nợ không có khả năng thanh toán, không chứng minh được kế hoạch khôi phục sản xuất và kế hoạch tài chính của doanh nghiệp để trả nợ.

Có 4 điểm chứng minh về 1 doanh nghiệp mắc nợ lâm vào nguy cơ phá sản.

- Đến thời hạn trả nợ mà không có khả năng thanh toán trả nợ.

- Đã dùng mọi biện pháp kinh tế để khôi phục sản xuất mà không được chủ nợ chấp nhận hoặc đã được các chủ nợ chấp nhận nhưng vẫn không khôi phục được sản xuất.

- Đã dùng mọi biện pháp tài chính như xin hoãn nợ, đảo nợ, khoanh nợ, bảo lãnh nợ nhưng vẫn không trả được nợ đến hạn.

- Đã công khai chấn chỉnh sổ sách kế toán kể cả việc trưng cầu kiểm toán nhưng vẫn chưa thuyết phục được các chủ nợ và toà án về khả năng thanh toán.

Thẩm quyền của toà án, thẩm phán xét xử, cách thức tổ chức tổ quản lý thanh lý tài sản doanh nghiệp mắc nợ được Luật 2004 quy định tốt hơn, cụ thể hơn, đơn giản hơn nhiều so với các chế định cũ. Trước đây chỉ ghi nhận chủ yếu thẩm quyền của toà án tỉnh, nay do xem xét cả phần phá sản của hợp tác xã, giao một số thẩm quyền cho toà án huyện đối với các hợp tác xã nhỏ đăng ký kinh doanh ở cấp huyện. Trước đây chưa định việc giải quyết phân tranh về thẩm quyền giải quyết xét xử một doanh nghiệp có trụ sở, tài sản ở 2 tỉnh, nay việc đó đã giao cho Tòa án Nhân dân Tối cao.

Chủ nợ của doanh nghiệp mắc nợ bao gồm các chủ nợ có bảo đảm, có bảo đảm một phần, không có bảo đảm có nhiều quyền hạn hơn so với Luật 1993. Không những họ có quyền tham gia các hội nghị chủ nợ, tham gia vào tổ quản lý, thanh lý tài sản, mà còn có quyền khiếu nại các quyết định của thẩm phán.

Những quy định mới này nhằm bảo vệ lợi ích chủ nợ, họ có thể đòi được số nợ đã cho vay, bảo đảm sự bình đẳng trả nợ cho các chủ nợ theo mức tiền họ đã cho vay. Các doanh nghiệp mắc nợ nếu được tuyên bố phá sản thì coi như là Nhà nước đã áp dụng một hình thức giải phóng khỏi những ràng buộc nhiều mặt đối với chủ nợ, tạo điều kiện để họ trở lại môi trường kinh doanh mới. Phá sản như vậy cũng như một biện pháp lành mạnh hoá nền kinh tế.

Tuy nhiên, doanh nghiệp mắc nợ không nên vỗ tay sớm vì họ vẫn phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ của pháp luật. Khi có nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn đến toà án yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nếu để các chủ nợ nộp đơn trước là doanh nghiệp đã có lỗi trước pháp luật là không ngay thẳng báo cáo tình trạng của mình.

Trên thực tế, có những chủ doanh nghiệp có nhiều thủ đoạn, biết nếu bị phá sản sẽ thoát khỏi trách nhiệm trả nợ nên chủ động sớm nộp đơn đến toà. Trong thời gian toà chưa tuyên bố mở thủ tục phá sản, họ tranh thủ tẩu tán tài sản, mua bán thu tiền, thu hồi nợ cho vay, sửa chữa giấy tờ sổ sách chứng từ với nhiều hành vi gian lận. Họ biết lợi dụng cơ chế phá sản của Nhà nước để chạy trốn pháp luật, giải phóng khỏi các món nợ.

Công bằng mà nói những quy định về ràng buộc nghĩa vụ các doanh nghiệp mắc nợ tuy có chặt chẽ, nhiều điểm cần thiết để phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi cất giấu, phân tán tài sản, luân chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành khoản nợ bảo đảm, cầm cố thế chấp, tặng cho các tài sản của công ty, đi vay thêm tiền...

Nhưng tinh thần của pháp luật vẫn hoài nghi các doanh nghiệp mắc nợ, chưa tạo điều kiện có thể được để họ thoát khỏi tình trạng đứng bên bờ vực của sự phá sản.

Kế hoạch thoát hiểm là một biện pháp cần thiết

Trên thực tế nhiều nước đã coi kế hoạch thoát hiểm của các doanh nghiệp mắc nợ là một biện pháp hữu hiệu được áp dụng khá phổ biến.

Hơn 40 hiệp định của WTO từ khi thành lập không có khoản nào quy định “kế hoạch thoát hiểm” cho các công ty đang ở bên bờ vực của sự phá sản nhưng trong các vòng đàm phán để thoả thuận về các hiệp định, các nước trong WTO đều cho kế hoạch thoát hiểm là một biện pháp cần thiết trong các quan hệ giữa các doanh nghiệp mắc nợ với chủ nợ và các đối tác.

Một công ty nước ngoài với một công ty bản địa đang thực hiện một hợp đồng nhưng cảm thấy đang bị treo lơ lửng trên hố phá sản, họ có thể thoả thuận với công ty bản địa lập một kế hoạch thoát hiểm cho họ rút khỏi, đình việc thi hành hợp đồng. Sự thoả thuận đó đương nhiên phải là những vấn đề tài chính, khoanh vốn vào ngân hàng hoặc để lại vốn cho công ty bản địa, thanh toán các món nợ, kiểm kê tài sản, giải quyết vấn đề nhân lực và hứa hẹn sẽ quay trở lại nếu sự đe doạ phá sản không còn.

Một công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam làm ăn thua lỗ, nợ kéo dài, nguy cơ phá sản đến gần, đương nhiên họ cũng phải lập một kế hoạch thoát hiểm. Nếu pháp luật ràng buộc quá cứng nhắc họ sẽ chạy trốn.

Như một công ty 100% vốn nước ngoài tại Tp.HCM, nợ nần nhiều, kéo dài 2, 3 năm, người giám đốc nước ngoài trở về nước không dám quay trở lại Việt Nam. Công ty đóng cửa ngừng hoạt động, công nhân nghỉ việc chờ đợi, người giám đốc viết thư sang Việt Nam đề nghị chính quyền cho chấm dứt hoạt động - Luật của ta lại quy định muốn chấm dứt hoặc tuyên bố phá sản thì người chủ phải lập đầy đủ hồ sơ, nộp đơn yêu cầu toà án - người chủ đã về nước, không dám trở lại, trong công ty không ai có quyền và cũng không ai muốn đứng ra lập hồ sơ cho một doanh nghiệp bị bỏ rơi.

Một công ty Việt Nam cũng có thể tương tự - họ nợ nần nhiều, cần cho họ tự lập ra một kế hoạch thoát hiểm, miễn là kế hoạch đó phải đúng pháp luật. Điều đó, bắt buộc họ phải tìm đến các tư vấn tài chính - ngân hàng - pháp luật hướng dẫn cho họ.

Không nên coi cảnh nợ nần của doanh nghiệp là một tội lỗi theo khuynh hướng hình sự hoá, các quan hệ vay mượn theo Luật dân sự.