08:17 25/06/2022

Khu công viên phần mềm số 2: Môi trường làm việc đạt chuẩn quốc tế

Dũng Hiếu

Dù chưa đi vào khai thác sử dụng nhưng Khu công viên phần mềm số 2 được hy vọng sẽ tạo động lực chính cho ngành công nghệ thông tin của Thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là điểm nhấn để Đà Nẵng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho những năm tới...

Để hiểu rõ hơn câu chuyện phát triển ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng cũng như khu công viên phần mềm số 2, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng.

Đà Nẵng là thành phố phát triển về công nghệ thông tin vào tốp đầu cả nước. Xin ông chia sẻ bí quyết để đạt được thành tích quan trọng này cũng như quan điểm phát triển ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng?

Với Đà Nẵng, có hai lĩnh vực mũi nhọn, đó là: công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.  Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ như vậy. Vì thế, Đà Nẵng đã ban hành rất nhiều chính sách, hỗ trợ, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Quan điểm chung của Đà Nẵng là hạ tầng phải đi trước, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông phải sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Hiện nay, Đà Nẵng đang đầu tư và thu hút đầu tư vào 7 khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và công viên phần mềm. Trong đó, có 2 khu công nghệ thông tin tập trung được Thủ tướng Chính phủ công nhận, đó là Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng (tòa nhà 2 và 15 Quang Trung, Hải Châu, Đà Nẵng) và Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Ngành thông tin truyền thông đóng góp rất tích cực, là một trong những trụ đỡ chính cho tăng trưởng chung của Đà Nẵng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đóng góp tới 8,2% trong cơ cấu GRDP của thành phố năm 2021. Đây là ngành có tỷ trọng đóng góp lớn thứ 3 trong khu vực dịch vụ, sau ngành thương mại (14,6%) và ngành vận tải (8,6%).

Như ông nói, hạ tầng công nghệ thông tin cũng phải đi trước. Vậy để tăng sức thu hút đầu tư  phát triển công nghệ thông tin vào Đà Nẵng, dự án Khu công viên phần mềm số 2 hiện nay thực hiện đến đâu, thưa ông?

Dự án Khu công viên phần mềm số 2 khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2020, tính đến nay khối lượng thi công gói thầu đã thực hiện khoảng 602 tỷ đồng, đạt 85,51% giá trị hợp đồng. Dự án này gồm các  khối tòa nhà ICT, ICT1 và ICT2.

Hiện ICT1 đã hoàn thành cơ bản gói thầu xây lắp vào 31/12/2021 và đang chờ lắp đặt thiết bị để bàn giao cho bên sử dụng. Khối ICT và ICT2: đang triển khai phần hoàn thiện và khắc phục các tồn tại để nghiệm thu. Hạ tầng ngoài nhà: đã hoàn thành bể nước, bể tự hoại, mương thoát nước giao thông quanh khối nhà ICT1.

Về hồ sơ thiết kế thi công và dự toán phần điều chỉnh, bổ sung các hạng mục để hoàn thiện Khối nhà ICT1 8 tầng và các hạng mục phục vụ hoạt động của khối ICT1, hiện Ban quản lý đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định (dự kiến ngày 07/6/2022 Ban quản lý sẽ trình hồ sơ ra Bộ Xây dựng).

Sau khi hồ sơ được Bộ Xây dựng thẩm định và UBND thành phố phê duyệt, Ban quản lý sẽ triển khai công tác lựa chọn nhà thầu và thi công gói thầu. Dự kiến hoàn thành toàn bộ gói thầu trong năm 2022 và đưa vào khai thác vận hành khối nhà ICT1 trong đầu năm 2023.

Khu công viên phần mềm số 2: Môi trường làm việc đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 1

Dự kiến đến đầu năm 2023 thì Khu Công viên phần mềm số 2 mới đưa vào khai thác giai đoạn 1. Vậy khả năng đóng góp vào phát triển của Đà Nẵng của dự án này được đánh giá như thế nào?

Ngày 13/4/2022, với Quyết định số 981/QĐ-UBND,  lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án quản lý, vận hành Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1).

Hiện nay, Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Đà Nẵng xây dựng phương án khai thác đối với Khu công viên phần mềm số 2; chủ động trong công tác khai thác, vận hành ngay sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Việc đưa vào khai thác Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) sẽ là động lực chính để thực hiện mục tiêu ngành công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đóng góp 10% GRDP vào năm 2025 và 15% vào năm 2030, theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chương trình 37-CTr/TU ngày 31/1/2020 của Ban thường vụ Thành ủy về “Tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đồng thời, tạo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, các chuyên gia giỏi, trình độ cao trong và ngoài nước (khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài) về thành phố nghiên cứu, làm việc, giảng dạy thông qua các hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, cộng đồng kỹ sư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số;

Thúc đẩy các cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn thành phố đầu tư nguồn lực cho các phòng thí nghiệm, đặc biệt là các dự án nghiên cứu triển khai, ứng dụng về công nghệ số;

Hẹp hơn là các nghiên cứu sâu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo của thành phố thông qua việc đào tạo hướng thực tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin của Thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, Khu công viên phần mềm số 2 góp phần xây dựng mô hình phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, đổi mới sáng tạo với bản chất cốt lõi là sự tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng trong hệ sinh thái 3N (Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp).

Theo đó chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao là trung tâm của sự phát triển trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển tích hợp trong các lĩnh vực liên quan đến các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo, bao gồm mạng (Networking), phần mềm (Software) và dịch vụ nội dung (Content Service).

Khu công viên phần mềm số 2: Môi trường làm việc đạt chuẩn quốc tế - Ảnh 2

Đà Nẵng đang giải quyết các “điểm nghẽn” nhờ chuyển đổi số. Vậy về chính sách, Đà Nẵng đã có những gì để ưu tiên hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin, thưa ông?

Năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng Nhân dân thành phố quy định chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố; đến nay đã hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 250 triệu đồng.

Thực hiện nhiệm vụ Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố giao, hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông đang tham mưu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng đang xây dựng, hoàn thiện Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; Đề án xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.

Đây kỳ vọng là các chính sách lớn để thu hút các tập đoàn doanh nghiệp lớn đến đầu tư, kinh doanh tại Thành phố Đà Nẵng.