"Khúc tráng ca hòa bình" tri ân các anh hùng liệt sĩ
Tối 27/7, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), cầu truyền hình Khúc tráng ca hòa bình đã được tổ chức tại 6 điểm cầu: Hà Nội, TP. HCM, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định và An Giang...
Cầu truyền hình tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã ngã xuống và hy sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Dự điểm cầu Hà Nội tại tượng đài Bắc Sơn có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tượng đài Bắc Sơn là nơi tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã dũng cảm, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tại điểm cầu đền Bến Được (huyện Củ Chi, TP. HCM) - nơi ghi dấu 45.000 chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; nguyên Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.
Tại điểm cầu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường.
Điểm cầu tại đền thờ tưởng niệm xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có sự tham gia của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Trần Quốc Khánh tham dự chương trình từ điểm cầu tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Điểm cầu tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang.
Những câu chuyện sâu lắng, xúc động đã được các nhân chứng tại các điểm cầu lần lượt hồi tưởng lại.
Tại điểm cầu Bình Định, các nhân chứng kể lại câu chuyện 36 năm sau trận đánh tại đồi Xuân Sơn, nơi ngã xuống của các liệt sĩ nơi đây vẫn chưa thể tìm thấy. Các cựu chiến binh thậm chí đã kỳ công liên lạc với các cựu chiến binh từ bên kia chiến tuyến để tìm kiếm những thông tin về trận đánh tại đồi Xuân Sơn.
Kết quả cuối cùng, đầu năm 2022, Bộ Chỉ huy quân sự đã khoanh vùng được địa bàn tìm kiếm. Đến nay, mới có khoảng 60 liệt sĩ hi sinh tại đây vào tháng 12/1966 được xác định, chủ yếu ở Trung đoàn Sao Vàng.
Từ điểm cầu Hà Nội, câu chuyện những thanh niên Hà Nội rời thủ đô, ra đi, vào vùng chiến sự nóng bỏng được kể lại. Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tạm rời xa sách vở, phấn trắng, bảng đen, gác lại hoài bão của tuổi trẻ, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ với lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Tại Quảng Nam, mảnh đất có nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước, câu chuyện mẹ chong đèn ngóng trông con được tái hiện bằng hình ảnh bà mẹ mái tóc bạc phơ, thấm nước mắt, lần từng hàng bia mộ "liệt sĩ chưa xác định được thông tin".
Tại điểm cầu TP. HCM, thân nhân một liệt sĩ chia sẻ về nguyện vọng, quyết tâm tìm kiếm được hài cốt người thân là liệt sĩ Đỗ Văn Bân (quê Thanh Hóa), hi sinh ở phía Nam khi mới 25 tuổi. Tại chương trình, lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum trao cho người cháu liệt sĩ Đỗ Văn Bân một kỷ vật của liệt sĩ, là một chiếc kẹp tóc bằng thép không gỉ, được chôn cất cùng thi hài liệt sĩ.
Tại An Giang, thông tin về những người lính quân tình nguyện Việt Nam nằm lại đất bạn Campuchia được các cựu chiến binh kể lại. Sau khi giữ vững biên cương vùng biên giới Tây Nam tổ quốc, quân tình nguyện Việt Nam cùng người dân nước bạn đã đánh đổ chế độ diệt chủng, giải phóng Phnam Penh. Hơn 3.300 bộ hài cốt của đồng đội đã được ông Huỳnh Chí đưa về từ Campuchia. 41 liệt sĩ đã được trở về sum vầy cùng đồng đội trong đợt tìm kiếm 6 tháng mùa khô năm 2022.
Cựu chiến binh Võ Thanh Chiên (thương binh mất 81% sức khỏe) kể lại những ngày ác liệt tại chiến trường Campuchia. Trở về với cuộc sống thời bình, ông Chiên bắt tay vào làm kinh tế, ông còn xây dựng một ngôi trường hạnh phúc cho những đứa trẻ được sống trong hòa bình. Ông Chiên nguyện, khi đã là người may mắn được quay về sẽ làm mọi việc để cống hiến cho quê hương, chung tay xây dựng đất nước.