17:27 11/08/2021

Khủng hoảng địa ốc ở Hồng Kông: Không đủ sức mua nhà, kiệt sức vì thuê nhà

Ngọc Trang

Hồng Kông là thị trường bất động sản đắt nhất thế giới khi một gia đình trung bình mất tới 20,8 năm mới mua được nhà. Con số này gần gấp đôi so với 11,9 năm tại thành phố đắt đỏ thứ hai - Vancouver (Canada)...

Hồng Kông là đô thị có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh: Getty Images
Hồng Kông là đô thị có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh: Getty Images

Wong Ng, một nhân viên sân bay ở Hồng Kông, biết rằng chính quyền thành phố đặt mục tiêu loại bỏ nhà ở siêu nhỏ dưới chuẩn tại đây vào năm 2049. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này không đủ để khiến những cư dân phải chờ đợi nhiều năm ròng để thuê nhà ở công cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

“Điều đó có thể xảy ra nhưng nhiều người chẳng thể đợi tới năm 2049. Vẫn còn tới 28 năm nữa”, ông Wong, 39 tuổi, nói với tờ South China Morning Post.

XẾP HÀNG CHỜ HÀNG CHỤC NĂM ĐỂ THUÊ NHÀ Ở CÔNG

Sinh ra tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ông Woong tới Hồng Kông lần đầu tiên vào năm 1988. Sau đó, ông theo học đại học ở Trung Quốc đại lục, kết hôn và làm việc trong lĩnh vực quảng cáo ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. 7 năm trước, ông trở lại Hồng Kông định cư.

Hiện gia đình 4 người của ông Wong sống trong căn hộ chỉ rộng 11 m2 ở khu Tai Wo Hau. Căn nhà có một giường tầng, cho vợ ông và cặp song sinh 13 tuổi, còn ông ngủ trên một chiếc giường đơn. Hàng ngày, gia đình ông Wong phải thay nhau dùng bữa bởi bàn ăn quá bé, không đủ chỗ cho cả nhà. Chiếc giường đơn của ông cũng được dùng làm nơi học tập cho các con. 

“Tôi trở lại Hồng Kông bởi hệ thống giáo dục ở đây tốt cho các con. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống trong một căn hộ nhỏ đến vậy, nhưng đó là con đường chúng tôi đã chọn”, ông Wong chia sẻ.

Mỗi tháng, ông phải trả 874 USD (6.800 Đôla Hồng Kông) tiền thuê căn hộ, cùng với khoảng 90 USD phí tiện ích. 

Thời gian gần đây, đại dịch khiến ông Wong bị giảm giờ làm, thu nhập hàng tháng chỉ còn khoảng 1.150 USD. Nếu tình hình này kéo dài, gia đình ông có thể phải tìm một căn hộ nhỏ hơn để thuê do không đủ sức chi trả phí sinh hoạt hiện tại. 

“Tôi chỉ mong chính quyền có biện pháp giảm thời gian chờ đợi nhà công cho cư dân như chúng tôi”, ông Wong bày tỏ.

Tính tới tháng 3/2021, có khoảng 153.300 người như ông Wong đăng ký thuê nhà công với thời gian chờ bình quân là 5,8 năm. Trường hợp dài nhất phải chờ tới 22 năm, gấp nhiều lần cam kết cung cấp dịch vụ trong 3 năm của Cơ quan Quản lý Nhà ở Hồng Kông. 

Ở một danh sách chờ khác, khoảng 100.500 người độc thân trẻ cũng đang xếp hàng nhưng họ có thể phải đợi lâu hơn bởi thuộc nhóm ưu tiên thấp. Cho tới khi được thuê căn hộ công, hầu hết phải trả hàng nghìn USD mỗi tháng để thuê những căn hộ siêu nhỏ ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới. 

Vấn đề nhà ở được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hồng Kông từ khi ông Xia Baolong, Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Quốc vụ viện Trung Quốc, ra chỉ thị yêu cầu loại bỏ nhà ở siêu nhỏ dưới chuẩn tại Hồng Kông hồi tháng 7. 

Với nhu cầu vượt xa nguồn cung, nhiều người cho rằng mục tiêu này khó thực hiện được, nếu không muốn nói là bất khả thi. 

Những căn hộ siêu nhỏ chỉ là một phần của vấn đề. Hồng Kông đang chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở tư nhân và giá nhà ở mức quá cao, vượt xa khả năng chi trả của người dân. 

20,8 NĂM MỚI MUA ĐƯỢC NHÀ

Dù đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới nền kinh tế Hồng Kông trong năm qua, thị trường bất động sản tại đây chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Hồi tháng 5, giá nhà tại Hồng Kông chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 2 năm do lãi suất thấp và nền kinh tế bắt đầu phục hồi. 

Những căn chung cư cũ với hàng nghìn căn hộ siêu nhỏ phổ biến tại Hồng Kông - Ảnh: The Guardian 
Những căn chung cư cũ với hàng nghìn căn hộ siêu nhỏ phổ biến tại Hồng Kông - Ảnh: The Guardian 

Theo dữ liệu từ Cơ quan định giá Hồng Kông, tháng 6 năm nay, một căn hộ 46 m2 tại quận Hong Kong Island có giá khoảng bình quân 1,2 triệu USD (9,44 triệu Đôla Hồng Kông), còn ở quận Kowloon và New Territories có giá lần lượt là hơn 1 triệu USD và 900.000 USD. 

Mức giá này nằm ngoài khả năng chi trả của hầu hết người dân. Theo nghiên cứu về khả năng chi trả nhà ở Demographia, năm 2021, Hồng Kông là thị trường bất động sản đắt nhất thế giới khi một gia đình trung bình mất tới 20,8 năm mới mua được nhà. Con số này gần gấp đôi so với 11,9 năm tại thành phố đắt đỏ thứ hai - Vancouver (Canada). Tại Sydney (Australia) và London (Anh), con số này lần lượt là 11 năm và 8,2 năm.

Mức giá nhà “trên trời” khiến hầu hết người dân thành phố này phải đăng ký thuê nhà công hoặc thử vận may với việc đăng ký hưởng nhà trợ cấp nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, những người không đủ điều kiện và người không có nơi nào để ở trong thời gian chờ thuê nhà công buộc phải thuê những không gian sống siêu nhỏ dù giá thuê không hề thấp. 

Theo Internations, giá thuê nhà bình quân tại quận Kowloon, nơi có mật độ dân số cao nhất Hồng Kông, là từ 1.500-2.500 USD (khoảng 12.000-20.000 Đôla Hồng Kông) mỗi tháng cho một căn hộ khoảng 10-15 m2. Những căn hộ rộng hơn có giá thuê lên tới 3.800 USD.