14:52 26/06/2015

Kịch bản vỡ nợ Hy Lạp nhìn từ “tấm gương” Argentina

DIỆU MINH

Soi vào tấm gương vỡ nợ của Argentina, Hy Lạp có thể thấy một kịch bản tồi tệ hơn rất nhiều dành cho mình

Biểu tình nổ ra ở Buenos Aires tháng 12 năm 2001 - Ảnh: Reuters.<br>
Biểu tình nổ ra ở Buenos Aires tháng 12 năm 2001 - Ảnh: Reuters.<br>
Rất có thể Hy Lạp cuối cùng sẽ phải nhượng bộ và tuân theo các yêu cầu thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt hơn nữa do các chủ nợ châu Âu đưa ra.

Soi vào tấm gương vỡ nợ của Argentina, Hy Lạp có thể thấy một kịch bản tồi tệ hơn rất nhiều dành cho mình. Argentina đã vỡ nợ nước ngoài cả thảy bảy lần kể từ khi giành được độc lập vào năm 1816, và lần gần đây nhất là năm ngoái.

Lần vỡ nợ gần 100 tỷ USD vào năm 2001 của Argentina, lớn nhất tính đến thời điểm đó, là ví dụ gần nhất với tình trạng của Hy Lạp ngày nay, theo The New York Times.

Daniel Gros, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu tại Brussels và là tác giả cuốn sách “A Tale of Two Defaults” (tạm dịch: Câu chuyện về hai vụ nỡ nợ), nhận định: “Đối với Hy Lạp, việc vỡ nợ sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với Argentina”.

Cũng như Hy Lạp hiện nay, cho đến năm 2001, Argentina đã trải qua vài năm hết sức khó khăn khi thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Nước này vay rất nhiều từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới và Mỹ, và cả ba chủ nợ đều yêu cầu chính phủ Argentina cắt các khoản chi tiêu không cần thiết.

IMF sau đó cắt các khoản chi trả khi Argentina không đáp ứng được điều kiện về tài khoá. Người dân ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng, buộc chính phủ nước này phải đóng băng các khoản tiền gửi, và khiến các cuộc biểu tình và bạo loạn bùng phát.

Các cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô Buenos Aires dẫn đến đổ máu, và tổng thống đương nhiệm Fernando de la Rua phải rời đất nước bằng trực thăng. Vào tuần cuối cùng của năm 2001, Argentina vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài 93 tỷ USD và phải phá giá đồng peso một cách chóng vánh.

Bên cạnh bất ổn xã hội và chính trị - có thời điểm Argentina có tới ba tổng thống trong vòng bốn ngày - nền kinh tế nước này nhanh chóng rơi vào suy thoái.

Kinh tế Argentina ổn định trở lại vào năm 2002 và đến năm 2006 đã trả toàn bộ nợ cho IMF. Kinh tế Argentina phục hồi phần lớn nhờ vào xuất khẩu hàng hoá sang Brazil và Trung Quốc - hai nước này có cầu hàng hoá tăng vọt trong những năm đó.

Dù vậy, Argentina vẫn chưa thể trở lại thị trường nợ quốc tế như trước. Đến năm ngoái, nước này vỡ nợ một lần nữa và tình trạng căng thẳng tiếp diễn đến nay.

Ngược lại với Argentina, Hy Lạp phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Ba mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của nước này là dầu thô, xăng và dược phẩm trong khi hàng hoá xuất khẩu chủ yếu là cá và vải bông.

Hy Lạp sẽ rất khó có thể tăng sản lượng xuất khẩu, bởi Liên minh châu Âu có hạn ngạch rất chặt chẽ để ngăn chặn việc đánh bắt cá quá mức. Trong khi đó, cầu về vải bông đang giảm.   

So với Argentina, Hy Lạp là một nước nhỏ hơn nhiều, với 11 triệu dân và tổng thu nhập quốc dân đạt 242 tỷ USD vào năm 2013. Trong khi đó, “Argentina là một nước rất giàu tài nguyên, và nếu cần, có thể sống hoàn toàn dựa vào nguồn tài nguyên của mình. Kể từ năm 1981 khi Hy Lạp gia nhập EU đến nay, nước này chưa từng tự xoay sở”, chuyên gia tài chính quốc tế Arturo C. Porzecanski tại Đại học Mỹ, nhận định.

Nếu Hy Lạp có thể phá giá đồng tiền như Argentina đã làm khi vỡ nợ, thì nền kinh tế nước này có thể được hưởng lợi. Với Argentina, việc phá giá đồng tiền là khá dễ dàng, bởi nước này có thể tự quyết định tỷ giá giữa đồng peso với USD. Nhưng Hy Lạp lại không có đồng tiền riêng với tỷ giá gắn với EURO, mà nước này là thành viên của Eurozone và sử dụng đồng EURO.

Tại Argentina, chính phủ nước này quy định một doanh nghiệp hay ngân hàng có nợ trong nước bằng USD có thể trả nợ bằng đồng peso theo tỷ giá tương ứng. Trong khi đó, doanh nghiệp Hy Lạp có rất nhiều nợ nước ngoài.

Cho đến nay Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giữ cho các ngân hàng Hy Lạp “sống”, nhưng các khoản thế chấp của những ngân hàng này sẽ chỉ còn giá trị rất nhỏ nếu Hy Lạp rời eurozone.

“Các ngân hàng Hy Lạp sẽ ngay lập tức mất khả năng thanh toán. Mọi chuyện khi đó sẽ hết sức hỗn loạn”, ông Porzecanski nhận định.