Kiến nghị lấp “lỗ hổng” trong đấu thầu sách giáo khoa
Cơ quan điều tra Bộ Công an cho rằng việc không quy định hoặc không quy định rõ về hạn mức áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu, dẫn dến các doanh nghiệp lợi dụng để ban hành hạn mức cao hơn nhiều so với quy định của Luật Đấu thầu đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu như chào hàng cạnh tranh, chào hàng cạnh tranh rút gọn…
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa, nhận hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch HĐTV, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, Tô Mỹ Ngọc (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng), Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) về tội “Đưa hối lộ”.
Ngoài ra, còn 5 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
NHÀ NƯỚC THIỆT HẠI 10 TỶ ĐỒNG
Theo kết luận, giữa năm 2017, bị can Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh gặp, đặt vấn đề và được ông Thái đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát tham gia cung cấp giấy cho Nhà xuất bản giáo dục.
Để hạn chế các nhà thầu khác và tạo điều kiện cho 2 công ty trên, ông Thái chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Thủy và Đinh Quốc Khánh (Ban Kế hoạch Marketing) tổ chức mua sắm theo hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn để thực hiện việc mua sắm giấy in sách giáo khoa phục vụ năm học 2018-2019.
Thủy đã chỉ đạo Khánh lập tờ trình về kế hoạch mua sắm gồm 7 gói thầu (6 gói thầu giấy in ruột và 1 gói thầu giấy in bìa) và được Thái phê duyệt. Sau đó, Ban Chỉ đạo và Tổ tư vấn triển khai lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư được thành lập.
Theo khoản 2, Điều 3 Luật Đấu thầu, Hội đồng thành viên Nhà xuất bản giáo dục đã ban hành các quyết định về quy định mua sắm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có quy định “lựa chọn danh sách ngắn” phải gồm ít nhất 3 nhà cung cấp có năng lực, kinh nghiệm…
Theo kết luận điều tra,năm 2017, ông Thái đã chỉ đạo nhân viên thực hiện việc mua sắm giấy in thông qua hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn để đưa Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát vào “danh sách ngắn”.
Đồng thời tiết lộ thông tin về thông số kỹ thuật, khối lượng hàng hóa trước thời điểm phát hành hồ sơ dự thầu để tạo lợi thế cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng; thông đồng với bị can Nguyễn Trí Minh hợp thức hồ sơ để ấn định cho Công ty Minh Cường Phát trúng thầu.
Ngoài ra, từ năm 2018-2021, ông Thái thông đồng, thống nhất từ trước với bị can Minh và Ngọc để sắp xếp, tạo điều kiện cho các công ty của 2 bị can này được tham gia vào danh sách ngắn các công ty được tham gia chào giá và cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản giáo dục.
Nhờ đó, các công ty của bị can Ngọc đã tham gia và trúng 13 gói thầu với tổng trị giá 2.101 tỷ đồng. Còn công ty Minh Cường Phát của bị can Minh được tham gia và trúng 5 gói thầu với tổng số tiền 209 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định tổng thiệt hại của vụ án là 10 tỷ đồng. Từ việc tạo điều kiện cho 2 công ty trúng thầu, ông Thái nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng từ bị can Ngọc và Minh.
HAI KIẾN NGHỊ ĐỂ LẤP “LỖ HỔNG” PHÁP LÝ
Cơ quan điều tra cho rằng mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của Nhà xuất bản giáo dục, được thực hiện hàng năm. Giá giấy in chiếm 30-40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa. Việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.
Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, có chất lượng tốt và giá bán thấp, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Đối với hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh, theo khoản 2, Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2013, doanh nghiệp được ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp. Còn khoản 7, Điều 3 quy định, doanh nghiệp được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, việc không quy định hoặc không quy định rõ về hạn mức áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu, dẫn dến các doanh nghiệp lợi dụng để ban hành hạn mức cao hơn nhiều so với quy định của Luật Đấu thầu đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu như chào hàng cạnh tranh, chào hàng cạnh tranh rút gọn.
Bộ Công an chỉ ra đây là nguyên nhân dẫn đến việc thông đồng đưa các nhà thầu vào danh sách được lựa chọn, tạo điều kiện trúng thầu, nguy cơ gây thiệt hại cho Nhà nước.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử kiểm soát viên tại Nhà xuất bản giáo dục nhưng không quy định rõ việc kiểm soát trực tiếp, tham gia vào hoạt động đấu thầu đối với hoạt động mua sắm thường xuyên, dẫn đến các bị can lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm trong thời gian dài.
Từ đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về khoản 7, Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó quy định rõ về hạn mức được áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu theo các quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu mà doanh nghiệp được ban hành.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của Nhà xuất bản giáo dục, trong đó quy định rõ việc kiểm soát viên được tham gia giám sát trực tiếp trong suốt quá trình đấu thầu và các trường hợp bắt buộc phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả lựa chọn nhà thầu.