Kiến nghị ưu tiên nhà ở xã hội cho người lao động sau sáp nhập
Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị về việc sớm triển khai và ưu tiên các dự án nhà ở xã hội tại địa phương dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải di chuyển nơi làm việc sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố…

Bộ Xây dựng vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên gửi tới trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Trong đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai và ưu tiên các dự án nhà ở xã hội tại địa phương dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải di chuyển nơi làm việc sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố, theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết ngày 29/5/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 201/2025/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2025.
Theo đó, Nghị quyết đã quy định về một số chính sách nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải chuyển nơi làm việc sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban chấp hành Trung ương.
Cụ thể là giao UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, quy định chi tiết về trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa địa điểm làm việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Đồng thời, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động của mình ở;
Nếu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức, người lao động của mình ở, thì được bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện thuê nhà ở xã hội cho đối tượng được hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định về việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tạo lập nhà ở xã hội để cho thuê, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê.
Bên cạnh đó, ngày 27/2/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030, để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là cơ sở để các địa phương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030, góp phần đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách xã hội.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo “Quyết định Điều chỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội”. Việc này nhằm mục đích giúp các địa phương sau sáp nhập tiếp tục khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội một cách thông suốt.
Theo chủ trương được Quốc hội thông qua, tỉnh Hưng Yên và một số địa phương khác thuộc trường hợp phải tiến hành sáp nhập. Trong đó Hưng Yên và Thái Bình hợp nhất thành tỉnh Hưng Yên mới, với diện tích khoảng 2.500km2 và dân số trên 3,5 triệu người. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Hưng Yên mới đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Việc sáp nhập tỉnh, thành nhằm mục tiêu tối ưu hóa bộ máy hành chính, giảm chi phí quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách thể chế, phát triển kinh tế - xã hội, được kỳ vọng sẽ tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là về giao thông, logistics và thu hút đầu tư.
Dù vậy, trong quá trình thực hiện có thể kéo theo những thay đổi về nhân sự và nơi làm việc, từ đó đặt ra nhu cầu đối với điều kiện làm việc và nơi ở cần phù hợp hơn.