17:31 03/12/2021

Kiệt sức, cạn tiền, doanh nghiệp hàng không xin vay lãi suất 0%

Anh Tú

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay ưu đãi gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng lãi suất 0% và vay gói nhà nước cấp bù lãi suất 25.000 - 30.000 tỷ đồng với lãi suất 4-5%...

Các hãng bay đề xuất vay ưu đãi để chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.
Các hãng bay đề xuất vay ưu đãi để chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.

Văn bản do ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam ký nêu rõ, với các hãng hàng không Việt Nam, nhu cầu cần được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn là cấp bách và quan trọng nhất.

Trước tình thế cấp bách, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận và có văn bản kiến nghị Chính phủ và Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như thực hiện với Vietnam Airlines.

 
"Từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt".
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Số vay cụ thể sẽ căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

Hiệp hội cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000 - 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, nhà nước cấp bù lãi suất 4-5% nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.

Bên cạnh đó, đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành, về mức 1.000 đồng/lít, thấp hơn 500 đồng/lít so với đề xuất của Bộ Tài chính.

Được biết, trong dự thảo Nghị quyết đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường với nhiện liệu bay từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với biểu thuế bảo vệ môi trường tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018.

Về mức phí, khung giá hỗ trợ theo Thông tư của  Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, VABA đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép áp dụng mức hỗ trợ từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, áp dụng khung giá với mức tối thiểu bằng 50% mức tối thiểu, mức tối đa bằng 50% mức tối đa quy định tại Thông tư số 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải.

Đồng thời, đề nghị cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch. Lý do cần ưu tiên hỗ trợ hãng hàng không là vì ngành hàng không có tính lan tỏa rộng, là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng năm 2021 các hãng hàng không Việt Nam khai thác 109.246 chuyến bay, giảm sâu 38,3% so với cùng kỳ. 

Theo kế hoạch, lộ trình và dự kiến mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12/2021 và đầu năm 2022 nhưng do sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, rất có thể ảnh hưởng tới lộ trình "mở cửa" bầu trời, đón khách quốc tế. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục rà soát và làm việc với các quốc gia để có thể nối lại các chuyến bay sớm nhất, từ đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.