09:17 08/01/2011

Kinh tế 24h qua: Giải cứu nước Mỹ

Diệp Anh

Các nhà kinh tế Mỹ lo ngại, nợ công của nước này sẽ nhanh chóng vượt quá 20.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới

Kinh tế Mỹ cần phải thay đổi khẩn cấp?
Kinh tế Mỹ cần phải thay đổi khẩn cấp?
Các nhà kinh tế Mỹ nhấn mạnh nền kinh tế nước này phải khẩn cấp thay đổi tiến trình hiện hành vì nếu không, nợ công sẽ nhanh chóng vượt quá 20.000 tỷ USD trong 10 năm tới và Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ đã cảnh báo nguy cơ nợ công nước này sẽ lên tới 90% GDP vào năm 2020.

Martin Hutchinson, nhà phân tích kinh tế thuộc tạp chí Money Morning, nhấn mạnh nền kinh tế Mỹ đang đứng trước tương lai đầy bất ổn và sẽ không thể nhanh chóng phục hồi được hoàn toàn sức mạnh như thời kỳ trước khủng hoảng. Theo ông, do tác động của cơn bão tài chính, thâm hụt ngân sách liên bang có thể lên tới 8.000 tỷ USD và nợ công sẽ vượt quá 20.000 tỷ USD trong 10 năm tới.

Còn nhà kinh tế Kenneth Rogoff (Đại học Harvard) và Carmen Reinhart (Đại học Maryland) cho rằng tỷ lệ nợ nần cao sẽ bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế. Khi tỷ lệ giữa nợ công và GDP vượt quá 90%, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình sẽ giảm ít nhất 1%. Nợ nần cao là gánh nặng khiến Mỹ không có nguồn tài chính để sửa chữa đường sá, tăng thêm giáo dục cho trẻ em hoặc cung cấp các dịch vụ xã hội tối thiểu .

Từ đó, các chuyên gia kinh tế Mỹ đã kiến nghị quốc hội và chính phủ nước này thực hiện khẩn cấp 5 biện pháp chính sách để cứu nền kinh tế, bao gồm: Cắt giảm chi tiêu công ít nhất 150 tỷ USD hàng năm, tương đương với 1% GDP, để khôi phục cân bằng ngân sách mặc dù nền kinh tế có thể bị giảm phát trong thời gian ngắn.

Hai là kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng nguồn thu, cho dù có thể phải tăng thuế, chấm dứt trợ cấp cho các hoạt động ít giá trị kinh tế. Các chuyên gia cho đây là sự lựa chọn không thể tránh khỏi. Ba là tiếp tục duy trì và thực các chương trình an sinh xã hội dài hạn, đặc biệt là chương trình y tế cho cộng đồng.

Bốn là loại bỏ các trợ cấp quá mức cần thiết gây lãng phí như trợ cấp sản xuất xăng sinh học từ ngô, trợ cấp nông nghiệp... Năm là chấm dứt những chương trình của Cục Dự trữ Liên bang (FED) như chương trình trợ cấp vay mượn từ nguồn tiết kiệm của Liên bang bởi các chương trình này đang làm giảm thu nhập của người làm công ăn lương ở Mỹ.

Theo họ, năm chính sách này có thể tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế Mỹ thông qua giảm tỷ lệ thất nghiệp, giữ lạm phát trong vòng kiểm soát, giảm thâm hụt ngân sách, nợ công, phục hồi và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ.

Hôm qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 12/2010, nền kinh tế này đã có thêm 103.000 việc làm, cao hơn con số điều chỉnh 71.000 trong tháng 11, nhưng thấp hơn dự báo 175.000 việc làm mới của giới phân tích. Trong đó, khu vực tư nhân có thêm 113.000 việc làm, trong khi lĩnh vực công cắt giảm 10.000 người.

Tuy nhiên, đáng mừng là tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12 đã bất ngờ sụt mạnh xuống 9,4% từ mức 9,8% trong tháng trước đó, đánh dấu tốc sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/1998, lạc quan hơn so với dự báo giảm xuống 9,7% của các nhà kinh tế. Sự tăng trưởng của thị trường việc làm là một trong nhiều tín hiệu cho thấy, kinh tế Mỹ đang dần thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Tỷ lệ lạm phát tháng 12 tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng cao nhất trong vòng hai năm qua, lên mức 2,2%. Theo hai báo Les Echos và Le Monde, giá năng lượng tăng, đặc biệt là giá dầu tăng hơn 10 USD/thùng trong tháng cuối năm ngoái kéo theo sự tăng giá của mặt hàng chiến lược này trong cả năm là 15%, được xem là nguyên nhân chính đẩy giá cả các mặt hàng đồng loạt tăng giá lên mức kỷ lục kể từ tháng 10/2008.

Sự leo thang của giá lương thực và thực phẩm cũng là yếu tố không nhỏ khiến tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng Euro tăng lên 2,2%. Kể từ đồng tiền chung châu Âu ra đời năm 1999, chưa bao giờ đồng Euro lại mất giá như hiện nay. Trước đây, thông thường tỷ lệ lạm phát của khu vực này duy trì ở mức 1,97%.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại 16 quốc gia thuộc Eurozone đã tăng lên mức cao lịch sử là 10,1% trong tháng 11/2010. Theo các số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU), hơn 15,9 triệu người tại Eurozone đã bị mất việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức 10,1% trong giai đoạn từ tháng 10-11 năm ngoái.

Trên thực tế, mặc dù so với tháng 10, con số thất nghiệp tại Eurozone đã giảm đi 39.000 người, song so với tháng 11/2009, con số không có việc làm tại khu vực này lại tăng thêm 347.000 người. Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện lớn hơn, tỷ lệ thất nghiệp tại 27 nước thành viên EU không mấy thay đổi, vẫn duy trì ở mức 9,6% trong tháng 11/2010 với 23,25 triệu người thất nghiệp.

Theo Tân Hoa Xã dẫn lời Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, năm 2010 nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 10%. Ông Lý Khắc Cường hiện đang tiếp tục chuyến công du 9 ngày tới các nước Tây Ban Nha, Đức và Anh. Ông cũng cho biết, doanh số bán lẻ của đất nước đông dân nhất thế giới tăng 18,5% trong năm 2010.

Trung Quốc có thể đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2010 sau khi tổng sản phẩm trong nước đều vượt qua Nhật Bản trong quý 2 và quý 3/2010. Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của Trung Quốc đạt 11,4%.

Tuy nhiên, theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc còn phải đối mặt với những khó khăn trong phát triển kinh tế và cần phải tiếp tục mở rộng thương mại và đầu tư hơn nữa với các nước khác nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Cũng liên quan tới Trung Quốc, hai ngân hàng J.P.Morgan và Morgan Stanley được cấp phép hoạt động tại Trung Quốc. Đây là hai ngân hàng đầu tiên tại Phố Wall có được thành công này trong sáu năm qua. Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán của Trung Quốc tuyên bố, đây là lần đầu tiên các ngân hàng Mỹ được chấp thuận để thiết lập liên doanh tại Trung Quốc sau Goldman Sachs Group Inc. cuối năm 2004.

Tuyên bố trên cũng đã tác động tích cực tới mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung trước chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cuối tháng này. Các cuộc gặp gỡ cấp cao như vậy thường đi cùng với các thỏa thuận thương mại song phương. Dự kiến, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ sôi động hơn khi các ngân hàng đầu tư của Mỹ hoạt động tại đây.