09:24 13/02/2022

Kinh tế Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với sự đầu tư, quan tâm của Trung ương

Song Hoàng

Hải Phòng phải đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước để đưa đất nước cùng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ Trung ương và điều kiện tự nhiên nhiều tiềm năng, lợi thế của Thành phố.

Hải Phòng dù đạt nhiều thành tựu nhưng kinh tế phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế
Hải Phòng dù đạt nhiều thành tựu nhưng kinh tế phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế

Ngày 11/2/2022 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 39/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố và những thành tựu quan trọng đạt được về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hải Phòng còn những tồn tại, hạn chế như: quy mô kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và với sự đầu tư, quan tâm của Trung ương; phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực khác; hiệu quả quản trị hành chính công và công tác chuyển đổi số của Thành phố chưa được cải thiện (nhiều chỉ số như hiệu quả quản trị và hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, mức độ chuyển đổi số còn ở vị trí khiêm tốn trên bảng xếp hạng cả nước); phát triển dân số cơ học chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Thành phố, thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thu ngân sách mặc dù đạt cao nhưng tỷ trọng thu nội địa chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Về định hướng trong thời gian tới, Hải Phòng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững về an ninh quốc phòng, kinh tế-xã hội. Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, hiện đại; du lịch theo hướng du lịch sinh thái, chất lượng cao; dịch vụ theo hướng tiên tiến, thông minh, thuận lợi; nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cần phát triển hài hòa trên mọi lĩnh vực, nhất là phát triển văn hóa phải tương xứng với phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng; có kế hoạch tăng dân số cơ học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phải xác định nguồn lực bên trong (với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định còn nguồn lực bên ngoài (nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…) là quan trọng và đột phá.

Phát huy tối đa lợi thế cảng biển Lạch Huyện là cảng nước sâu hiện đại, lớn nhất khu vực miền Bắc nên việc quản lý, thiết kế cảng phải theo mô hình quản trị hiện đại, quản lý bằng công nghệ số, đẩy mạnh tự động hóa, xây dựng cảng xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển các khu công nghiệp lớn theo mô hình 5 trong 1, hạ tầng đồng bộ công nghiệp, dịch vụ, thành phố thông minh, y tế, giáo dục.

Cần xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng; TP. Hải Phòng phải đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước để đưa đất nước cùng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ Trung ương và điều kiện tự nhiên nhiều tiềm năng, lợi thế của Thành phố.

Nghiên cứu xây dựng quy hoạch Thành phố bài bản, chiến lược, có tầm nhìn xa, tư duy đổi mới để nhận diện, phát huy tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực đất đai, rừng, nước, tài nguyên thiên nhiên sẵn có của Thành phố.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao một số chỉ số hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế, phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển chung của Thành phố, đặc biệt chú trọng đến logistics hàng không, hàng hải.

Thúc đẩy công tác chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn; tập trung nghiên cứu năng lượng xanh, năng lượng sạch, nhất là năng lượng gió ngoài khơi, do vậy việc nghiên cứu phát triển các dự án điện khí LNG nên dành cho các địa phương khác, đảm bảo cân đối hài hòa phát triển năng lượng giữa các vùng miền.

Về điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với công suất dự kiến đạt 13 triệu hành khách đến năm 2030 và 16,6 triệu hành khách đến năm 2040, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 7/12/2021; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, trong đó bổ sung quy hoạch đường cất hạ cánh số 2, đảm bảo Cảng hàng không đạt được công suất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Về việc nghiên cứu xây dựng cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng sau năm 2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án xây dựng Cảng Hàng không Tiên Lãng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.