09:46 29/04/2009

Kinh tế Mỹ suy thoái 16 tháng liên tiếp

Quốc Trung

Dự kiến ngày 4/5, kết quả điều tra về 19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ sẽ được công bố

Kinh tế Mỹ vẫn đang suy thoái.
Kinh tế Mỹ vẫn đang suy thoái.
Mặc dù ông L.Summers, cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ, ngày 26/4 khẳng định rằng, tình trạng kinh tế Mỹ "rơi tự do" đã kết thúc và bức tranh kinh tế của nước này không còn toàn màu xám, thực tế kinh tế Mỹ đang trong tháng suy thoái thứ 16 liên tiếp.

 Thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 6 tháng đầu tài khóa 2009 (từ ngày 1/10/2008) là 953 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với mức thâm hụt 313 tỷ USD cùng kỳ tài khóa 2008. Ước tính thâm hụt ngân sách của Mỹ trong cả năm tài chính 2009 có thể lên tới 1.800 tỷ USD.

Gần 30 ngân hàng Mỹ đóng cửa

Trong hơn 3 tháng đầu năm nay, số ngân hàng buộc phải ngừng hoạt động tại Mỹ đã cao hơn cả năm 2008. First Bank của bang Idaho đã trở thành ngân hàng thứ tư của Mỹ phải đóng cửa trong vòng một tuần, nâng số ngân hàng phải đóng cửa từ đầu năm đến nay lên 29.

Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) của Mỹ thông báo sự sụp đổ của bốn ngân hàng gồm First Bank và Ketchum (bang Idaho) cùng Michigan Heritage Bank (bang Michigan) và American Southern Bank (bang Georgia) làm cho quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC giảm 698,4 triệu USD.

First Bank là ngân hàng đầu tiên của Idaho bị đóng cửa hoạt động trong hơn 20 năm qua. Ngân hàng này sở hữu tài sản trị giá 488,9 triệu USD và tổng số tiền gửi là 374 triệu USD. Được biết ngân hàng U.S. Bank sẽ mua lại quyền quản lý đối với tất cả các khoản tiền gửi tại First Bank.

Với việc American Southern Bank đóng cửa, bang Georgia có 10 ngân hàng phải đóng cửa kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ cuối năm 2007 và đây là bang có số ngân hàng phải đóng cửa nhiều nhất. American Southern có tổng tài sản trị giá 112,3 triệu USD và tổng tiền gửi trị giá 104,3 triệu USD.

Theo các nhà phân tích kinh tế Mỹ, tình trạng suy thoái của nền kinh tế đã khiến các ngân hàng vật lộn để duy trì hoạt động, buộc chính phủ liên bang phải ra tay cứu trợ tài chính. Chính quyền cũng đang tiến hành cuộc điều tra về 19 ngân hàng lớn nhất với tổng tài sản tính đến cuối năm 2008 trị giá 100 tỷ USD nhằm đánh giá khả năng tồn tại của các định chế tài chính này trong hoàn cảnh kinh tế xấu hơn. Dự kiến kết quả cuối cùng sẽ được công bố ngày 4/5 tới.

Các "đại gia" ôtô khó tránh khỏi phá sản

Bất chấp những nỗ lực cứu trợ của chính phủ, các "đại gia" sản xuất ô tô của Mỹ vẫn bên bờ vực phá sản. Chrysler sẽ là tập đoàn đầu tiên trong số những “đại gia” sản xuất xe hơi của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản do làm ăn thua lỗ với số tiền nợ lên đến 6,9 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ hiện đang chuẩn bị hồ sơ xin phá sản theo Luật phá sản cho Chrysler. Hiện Chrysler đang đàm phán liên doanh với Công ty ô tô Fiat SpA của Italy, chính phủ Mỹ đã đặt thời hạn cho hãng phải đạt được thỏa thuận với Fiat ngày 30/4.  

Một “đại gia” khác trong làng sản xuất xe ô tô của Mỹ là General Motors Corp. (GM) cũng thông báo trong hai tháng tới sẽ đóng cửa tạm thời 13 nhà máy tại khu vực Bắc Mỹ, khiến khoảng 26.000 nhân công phải tạm nghỉ việc. Ngoài ra, hãng này dự định tới cuối tháng 7 năm nay sẽ giảm bớt 190.000 xe sản xuất ra và giảm tồn kho xuống còn 525.000 xe. GM đã nhận được thêm 2 tỉ USD tiền vay của chính phủ Mỹ để duy trì hoạt động. Cho đến nay, GM đang "sống" nhờ khoản cho vay khẩn cấp trị giá 13,4 tỉ USD từ chính phủ. Bộ Tài chính Mỹ đã yêu cầu GM chuẩn bị sẵn sàng tất cả thủ tục cần thiết cho khả năng phải đệ đơn xin phá sản vào ngày 1/6 tới.

Tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu của Mỹ Ford Motor Co. cho biết, trong quý đầu năm nay thua lỗ 1,4 tỉ USD. Theo Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Ford A.Mulally, tình hình kinh doanh của Ford phản ánh môi trường làm ăn cực kỳ khó khăn cũng như nhu cầu ô tô yếu trên toàn thế giới. Nhưng Ford vẫn giành được thị phần nhờ những dòng sản phẩm mới, giảm nợ, hạ thấp chi phí cơ cấu và đạt được những thỏa thuận mới với Liên đoàn công nhân ngành ô tô.

Không chỉ có các nhà sản xuất ô tô là nạn nhân của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu mà nhiều tập đoàn lớn cũng chịu tác động. Hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ cho biết lợi nhuận của hãng trong quý đầu tiên của năm nay đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2008, còn 610 triệu USD.

Doanh thu bán hàng trong quý 1/2009 của Microsoft Corp, công ty phần mềm máy tính lớn nhất thế giới, giảm 6% và lợi nhuận của công ty giảm 32% so với cùng kỳ năm 2008.