10:23 21/04/2009

Kinh tế Thái Lan thiệt lớn vì bạo loạn

Quốc Trung

Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể tăng trưởng âm trong năm nay

Nhiều điểm du lịch tại Thái Lan vắng khách.
Nhiều điểm du lịch tại Thái Lan vắng khách.
Hậu quả của khủng hoảng chính trị đang tác động tiêu cực đến viễn cảnh phát triển kinh tế - xã hội Thái Lan, nhất là đối với ngành du lịch với dự báo có thể bị mất tới 200.000 việc làm trong năm 2009.

Theo Hiệp hội Lữ hành nội địa Thái Lan, chi tiêu của người tiêu dùng và du lịch nội địa Thái Lan đã giảm mạnh trong dịp Tết truyền thống Songkran của nước này, từ ngày 13 đến 15/4 vừa qua.

Du lịch tiếp tục "sa lầy"

Tình trạng chính trị bất ổn đã khiến nhiều người thích đón Tết tại gia hoặc đơn giản là vui Tết cùng bạn bè, người thân ở quê hương, khiến lượng khách du lịch trong nước dịp Tết của người Thái năm nay đã giảm 50-60% so với năm trước.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan Prakit Chinamourphong cho biết, tỷ lệ khách thuê phòng ở các khách sạn 5-6 sao chỉ đạt khoảng 5% trong tuần qua. Tại thành phố nghỉ mát ven biển Pattaya, tỷ lệ khách thuê phòng chỉ đạt 40%, do nhiều du khách nước ngoài rời đây sau khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các đối tác bên ngoài bị đình hoãn. Chi tiêu của du khách trong dịp Tết năm nay cũng giảm hơn 1/3 so với cùng dịp năm trước.

Theo ước tính của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Lan Apichart Sankary, ngành du lịch nước này có thể bị mất tới 200.000 việc làm trong năm 2009. Mặc dù Chính phủ đã quyết định áp dụng các biện pháp phục hồi kinh tế, song nguy cơ trên là không thể tránh khỏi.

Ngành du lịch của Thái Lan chiếm 5% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2 triệu việc làm, chiếm tới 7% trong tổng số lực lượng lao động của cả nước. Ngành này từng bị thiệt hại lớn sau đại dịch SARS năm 2003 và trận sóng thần  năm 2004, cuộc đảo chính năm 2006 và hành động phong toả hai sân bay tại Bangkok năm 2008 do lực lượng phản đối chính phủ lúc đó tiến hành, nay lại kiệt quệ hơn vì khủng hoảng chính trị kéo dài.

Kinh tế tăng trưởng âm?

Điều đáng lo ngại là cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đã kéo dài hàng năm nay, song vẫn chưa có lối thoát. Hình ảnh “đất nước của những nụ cười” mà người Thái dày công xây dựng dường như đã sụp đổ, và các cuộc biểu tình, bạo loạn quy mô lớn luôn có nguy cơ bùng phát.

Sáng 18/4 vừa qua, cảnh sát Thái Lan đã ra lệnh bắt giữ thêm 7 lãnh đạo  của phong trào áo đỏ chống chính phủ do Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống độc tài (UDD) cầm đầu. Trước đó, Toà án hình sự Bangkok đã ra lệnh bắt giam 36 lãnh đạo và thành viên UDD bị cáo buộc vi phạm pháp luật trong vụ gây rối phá hỏng Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 11/4 ở Pattaya, gây bạo lực và vi phạm Luật tình trạng khẩn cấp ở Bangkok trong các ngày 12-14/4.

Ngày 17/4, sau phiên họp nội các đặc biệt, Thủ tướng Thái Lan Abhisit tiết lộ chính phủ của ông sẽ yêu cầu Văn phòng Hội đồng Nhà nước Thái Lan và giới chức hữu quan cân nhắc ban hành một đạo luật mới nhằm kiểm soát việc biểu tình nơi công cộng, hiện có khuynh hướng vi hiến. Nội các Thái Lan cũng đã phải quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp tại các tỉnh miền Nam bất ổn của nước này thêm ba tháng, bắt đầu từ ngày 19/4.

Trước tình hình bạo loạn kéo dài và gia tăng, Thủ tướng Abhisit  vừa cho biết ông đang tìm kiếm thỏa thuận về cải cách chính trị ở Thái Lan và sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử sau khi tình hình đất nước đã ổn định. Bên cạnh vấn đề chính trị, Chính phủ Thái cũng xúc tiến các chương trình kích thích kinh tế nhằm khôi phục lòng tin của người dân.

Theo Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij, Thái Lan có thể sẽ vay thêm tiền để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung nhằm khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng chính trị gây ra đối với nền kinh tế trong thời gian qua. Ngày 17/4 Chính phủ Thái đã họp để thảo luận về ngân sách và gói kích thích kinh tế, với hy vọng tăng việc làm và sức mua tại khu vực nông thôn.

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có thể giảm 2,7% trong năm nay, trong khi năm 2008 Thái Lan đạt tỷ lệ tăng trưởng 2,6%.