12:55 24/05/2023

Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chưa nghiêm

Nhĩ Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, qua kết quả giám sát của Ủy ban và báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm...

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các Báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các Báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 ngày 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định.

Đồng thời làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

LẬP DỰ TOÁN MỘT SỐ KHOẢN THU CHƯA SÁT

Về quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021, theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu ngân sách nhà nước 1.358.084 tỷ đồng; quyết toán 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng so với dự toán. Tỷ lệ động viên thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 18,7% GDP.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, quyết toán thu ngân sách nhà nước đạt kết quả như trong báo cáo, ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chưa nghiêm - Ảnh 1

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước.

Một số ý kiến đề nghị, trong bối cảnh khó xác định chính xác dự toán thu ngân sách nhà nước, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật ngân sách nhà nước để có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, không dàn trải, thất thoát, lãng phí số tăng thu ngân sách nhà nước.

 
Năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước.

Về quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2021, đa số ý kiến cho rằng quyết toán chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả số chi chuyển nguồn năm trước chuyển sang) đạt mức rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công chậm, không tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2021.

Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Quyết toán số bội chi ngân sách nhà nước là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện, giảm 129.617 tỷ đồng so với dự toán. Số giảm bội chi ngân sách trung ương năm 2021 chủ yếu là do hủy bỏ các nhiệm vụ chi không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân.

Đa số ý kiến cho rằng Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động thu hồi, hủy bỏ một số khoản chi dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2022, nhưng đến ngày 31/12/2022 không có nhu cầu sử dụng để giảm bội chi Ngân sách Trung ương năm 2021. Tuy nhiên, vẫn còn các khoản ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương từ năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2021 Quốc hội đã có Nghị quyết hết thời gian quy định phải hủy dự toán  hoặc nhiều khoản ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương sử dụng sai mục đích hoặc hết thời gian giải ngân phải thu hồi,… để giảm bội chi ngân sách trung ương năm 2021 nhưng chưa được thực hiện là chưa phù hợp.

TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NSNN

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15, Nghị quyết số 74/2022/QH15 và các Nghị quyết khác của Quốc hội liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực và đổi mới trong công tác kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; đã công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương đã có nỗ lực khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được cũng còn nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu, nhiều hạn chế trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước từ lâu trước chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, về chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã có các công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, chưa quyết liệt đôn đốc, tổ chức thực hiện, nên nhiều nội dung đến hết thời gian tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, các Bộ, ngành, địa phương vẫn không thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng NSNN không để xảy ra thất thoát, lãng phí, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng nội dung này cơ bản chưa nhiều chuyển biến. Tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, phân bổ, giao dự toán chậm, không giao hết dự toán, hủy bỏ dự toán vẫn tồn tại ở nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo và Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đối với các kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm không có khả năng thực hiện cần báo cáo làm rõ lý do và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Chính phủ đề xuất phương án xử lý cụ thể để xử lý dứt điểm các tồn tại và nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện; Kiểm toán Nhà nước khẩn trương làm rõ nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí theo đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Đồng thời, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022. Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tăng cường việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị từ quyết toán ngân sách nhà nước niên độ năm 2022, Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về ngân sách nhà nước trong niên độ và các năm trước, nhưng chưa thực hiện thu hồi trong năm 2022 và các kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán ngân sách nhà nước.

 
Đề nghị rà soát bảo đảm việc khoanh nợ, xóa nợ thuế
Về tình hình thực hiện kết quả xử lý nợ thuế năm 2021 theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2022, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ với 705.475 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 29.897 tỷ đồng, tăng so với năm 2021 là 212.003 người và 6.463 tỷ đồng. Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với 317.469 người nộp thuế tổng số tiền 7.631 tỷ đồng, tăng so với năm 2021 là 255.191 người và 6.079 tỷ đồng.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát bảo đảm việc khoanh nợ, xóa nợ thuế theo đúng quy định tại Nghị quyết 94. Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm toán các thông tin số liệu báo cáo của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 khi tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết.