Kỷ lục lịch sử: 356 cổ phiếu giảm hết biên độ trên toàn thị trường
Mặc cho các báo cáo phân tích liên tục nói rằng thị trường được định giá rẻ, bất kể cổ phiếu đầu cơ hay cổ phiếu cơ bản tốt, hôm nay đều bị bán tháo. Số lượng cổ phiếu giảm hết biên độ trên cả 3 sàn lập kỷ lục chưa từng có với 356 mã, vượt thời kỳ 2008 vì hiện quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều...
Mặc cho các báo cáo phân tích liên tục nói rằng thị trường được định giá rẻ, bất kể cổ phiếu đầu cơ hay cổ phiếu cơ bản tốt, hôm nay đều bị bán tháo. Số lượng cổ phiếu giảm hết biên độ trên cả 3 sàn lập kỷ lục chưa từng có với 356 mã, vượt thời kỳ 2008 vì hiện quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều.
Diễn biến kinh hoàng trên thị trường hôm nay, cố tìm cũng không thấy lý do nào có thể giải thích được cho nhà đầu tư đỡ sợ. Áp lực bán tháo tăng vọt như thể lại có một đợt giải chấp mới.
VN-Index bốc hơi 59,64 điểm tương đương 4,49% giá trị, tuy vẫn chưa bằng được phiên ngày 25/4 vừa qua (giảm 5%), nhưng mức độ khốc liệt thì lớn hơn nhiều. Phiên ngày 25/4 trên hai sàn niêm yết có 224 cổ phiếu giảm kịch biên độ, hôm nay lên tới 324 mã. Thêm UpCOM có 32 mã, tính chung toàn thị trường, số giảm sàn là 356 mã.
Điều tàn phá tâm lý nhà đầu tư là tuy VN-Index giảm mạnh hôm nay vẫn chưa “thủng đáy” thấp nhất ngày 25/4, nhưng rất nhiều cổ phiếu đã giảm sâu hơn thời điểm đó, thậm chí nhiều mã đã bốc hơi thêm hàng chục phần trăm giá trị.
VN30-Index đóng cửa giảm 4,31%, Midcap giảm 5,45%, Smallcap giảm 5,92%. Nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn có chút an ủi, là không giảm thê thảm như các nhóm khác. Tuy nhiên VN30 vẫn có tới 13 mã giảm sàn, “khá” hơn một chút so với phiên ngày 25/4 (15 mã giảm sàn). Cũng không có các mã siêu lớn nào giảm sàn: VIC giảm 0,88%, VCB giảm 1,89%, VHM giảm 1,02%, VNM giảm 0,28%. Nếu các trụ này cũng giảm cùng biên độ với các mã khác thì VN-Index chắc chắn đã thủng đáy.
Chỉ số này kết phiên xuống mức 1.269,62 điểm, trong khi ngưỡng thấp nhất của hôm 25/4 là 1.261,4 điểm. Khoảng cách này là quá mong manh và gần như chắc chắn thị trường sẽ tiếp tục giảm thêm nữa trong phiên kế tiếp, trước khi có bất kỳ cơ hội nào để thu hút dòng tiền bắt đáy rõ ràng hơn.
Với hàng trăm cổ phiếu bị bán tháo giá sàn, trạng thái thị trường như thể đang quay trở lại với áp lực giải chấp. Điều này là hoàn toàn có thể, vì thị trường có nảy lên ít nhất 5 phiên ở đem lại lợi nhuận cho những người bắt đáy. Nhà đầu tư đã dùng margin để giảm giá vốn và đang chịu áp lực.
Áp lực bán kéo dài trọn phiên và càng lúc càng mạnh. Chẳng hạn cuối đợt khớp lệnh liên tục, 3 sàn ghi nhận 337 cổ phiếu giảm sàn, trong đó HoSE là 212 mã, HNX 95 mã. Đến hết phiên HoSE tăng lên 221 mã, HNX là 103, UpCoM 32 mã. VN-Index và VN30-Index có nhích cao hơn một chút lúc đóng cửa chủ yếu do VIC, VHM, GAS, MSN được kéo lên vài bước giá. Thị trường không thể phục hồi được, dù ngay đầu phiên chiều vẫn có một nhịp đi lên ngắn, trước khi áp lực bán lớn quay lại giống như những phiên lao dốc đầu tháng 4 vừa qua.
Mặt khác, chiều nay không hề có nhiều thanh khoản. Những phiên bắt đáy cuối tháng 4, phiên chiều thường có thanh khoản cao hơn phiên sáng do tiền mới vào. Hôm nay giá trị giao dịch buổi chiều trên hai sàn niêm yết giảm 24% so với phiên sáng và giá thì yếu hơn. Đây là tín hiệu của lực mua bắt đáy đã suy yếu.
Điểm sáng duy nhất là khối ngoại quay lại mua ròng khá tốt. Tổng giá trị giải ngân ở HoSE đạt 1.818,1 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,7% tổng giao dịch sàn này. Mức mua ròng đạt 574,9 tỷ đồng. VHM được mua lớn nhất với 94,1 tỷ, HPG gần 64 tỷ, GMD 65,6 tỷ, VRE 50,6 tỷ, DGC 49,5 tỷ... Phía bán ròng có duy nhất 2 mã đáng kể là NVL (-38,6 tỷ) và VCB (-20,1 tỷ).
Lực cầu bắt đáy sụt giảm về cuối phiên là một tín hiệu không tốt, vì giá giảm về cơ bản là ở mức thấp nhất. Người mua đã không sẵn sàng mua thêm sau đợt bắt sớm buổi sáng. Điều này hàm ý chờ đợi giá giảm tiếp.