16:06 14/06/2022

Lãi suất trái phiếu Chính phủ "ngóng" tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Áp lực phát hành tài trợ các dự án đầu tư công chưa cao, lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng chậm, các thành viên đấu thầu nản lòng...

Năm 2022, khối lượng vốn đầu tư công là khoảng trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với các năm trước. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5/2022, giá trị vốn đầu tư công trong nước triển khai thực hiện mới đạt 113.700 tỷ đồng, chỉ bằng 23% kế hoạch và vốn ngoài nước là 2.178 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch.

Với việc chưa có áp lực phát hành để tài trợ các dự án đầu tư công, lãi suất trái phiếu chính phủ trên sơ cấp được điều chỉnh rất chậm. Có phiên lãi suất đứng yên, hoặc tăng thì chỉ nhích thêm 0,03%.

Điều này trái ngược với kỳ vọng của các thành viên tham gia thị trường. Thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất đăng ký đấu thầu ở các kỳ hạn đều tăng mạnh. Hay như chênh lệch lợi suất của thị trường sơ cấp và thứ cấp ngày càng nới rộng, nếu lãi suất ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm trên thứ cấp lần lượt ở mức 3,15%/năm và 3,33%/năm thì trên sơ cấp vẫn đang là 2,4%/năm và 2,7%/năm.

Cung cầu chưa thể gặp nhau, theo đó trong 2 tuần trở lại đây, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành chỉ dừng ở mức 68%. Thậm chí, tại một số phiên gọi thầu trước đó, tỷ lệ này rơi hẳn về mức 0%, tức Kho bạc Nhà nước gọi thầu thất bại.

Kết quả trúng thầu theo lãi suất
Kết quả trúng thầu theo lãi suất

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, lãi suất trái phiếu chính phủ nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới.

Bởi lẽ, tình trạng giải ngân vốn đầu năm chậm vẫn thường xuyên diễn ra. Cụ thể, giai đoạn từ 2017-2022, giải ngân của 5 tháng đầu năm thường đạt từ 22% đến 26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thấp nhất là năm 2021 với 22,12%, cao nhất là năm 2019 với đạt 26,4%.

Thế nhưng, giải ngân cả năm các năm này vẫn thường đạt mức khá trở lên, từ 76,89% đến 96,47%. Trong đó, năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất là 2020 đạt 96,47%.

Như vậy, nếu xét về xu hướng chung, tỷ lệ giải ngân trên 23% của năm nay cũng là mức bình thường, có thể hy vọng, đến cuối năm, cùng với các giải pháp thúc đẩy từ Chính phủ tới các địa phương, chủ đầu tư, tiến độ giải ngân tăng tốc, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt được mức cao.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc chậm trễ trong việc giải ngân đầu tư công trong các tháng đầu năm, có thể kể đến: công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn; giá thành nguyên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao; một số dự án mới cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực và chuyên môn.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ý chí, quyết tâm của người đứng đầu ngành, dự án đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy thực hiện dự án. Trong cùng một điều kiện, một thể chế như nhau song nhiều địa phương thực hiện giải ngân cao nhờ có nhiều mô hình hay và cách làm tốt.

Mới đây, để hỗ trợ giải quyết tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cản trở tốc độ hồi phục của nền kinh tế, ngày 02/05, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Do đó, khi tốc độ giải ngân đầu tư công chắc chắn sẽ lớn dần trong giai đoạn từ nay đến cuối năm thì diễn biến tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ là điều không thể tránh trong thời gian tới.